Vào thời kỳ tăng trưởng đi xuống?
Nhiều dự báo được đưa ra gần đây đều tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh hơn: Tăng trưởng GDP quý I ước đạt 5,03%, lạm phát được kiểm soát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm tăng 2,1%, các cân đối lớn được bảo đảm. Nhưng, bên cạnh sự lạc quan về triển vọng phục hồi, các dự báo đều lưu ý Việt Nam cần thận trọng với rủi ro tăng trưởng chậm lại và lạm phát cao.
“Không chỉ tăng trưởng chậm, nền kinh tế đang tăng trưởng dưới mức tiềm năng và đã có những dấu hiệu cho thấy có thể đang bước vào thời kỳ tăng trưởng đi xuống” - PGS.TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nói.
Theo PGS.TS Tô Trung Thành, với tình hình dịch bệnh được kiểm soát và nền kinh tế được thúc đẩy bởi gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mới, tăng trưởng kinh tế có thể đạt được mục tiêu 6,5% như kỳ vọng. Nhưng ngay cả khi tốc độ tăng trưởng đạt 6,5%, tốc độ tăng trưởng trung bình của giai đoạn 2020-2022 chỉ đạt mức 4%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong lịch sử.
Mức tăng 6,5% của năm 2022 cao khi so với 2 năm tăng trưởng thấp 2020, 2021 (lần lượt 2,9% và 2,6%), nhưng thực tế sản lượng tuyệt đối của nền kinh tế vẫn ở dưới mức tiềm năng. Các động lực giúp tăng trưởng phục hồi mạnh hơn cũng đang gặp vấn đề.
“Có những ngành phục hồi mạnh mẽ nhưng còn nhiều lĩnh vực đang cực kỳ khó khăn. Các ngành hàng không và du lịch quốc tế, dịch vụ, bán lẻ phục hồi chậm chạp, dịch vụ lưu trú, du lịch... năm nay chỉ có thể phục hồi được 50-60%” - TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia dự báo.
Con đường phục hồi trắc trở hơn, tăng trưởng gặp nhiều thách thức hơn, khi tăng trưởng thế giới giảm sâu nhưng lạm phát tăng cao do xung đột Nga-Ukraine đang gây nhiều hệ lụy xấu. Tuy tác động trực tiếp từ cuộc xung đột này tới Việt Nam không lớn, nhưng tác động gián tiếp và dài hạn rất đáng kể, khi chuỗi cung đứt gãy, giá đầu vào của sản xuất tăng cao... và dự báo tác động vòng hai tới nhiều ngành công nghiệp hơn.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ làm Việt Nam giảm tăng trưởng (0,5%) và làm lạm phát tăng (0,8%). Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc cũng có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và quá trình phục hồi kinh tế. Và tổng cầu thấp cũng là thách thức không nhỏ, khiến khả năng đạt mức tăng trưởng cao trong năm nay rất khó.
Không để rơi vào vòng suy thoái thế giới
Không để rơi vào vòng suy thoái thế giới
Bên cạnh những thách thức bên ngoài, những thách thức bên trong cũng rất đậm nét. “Hiện đang tồn tại nghịch lý các công trình hạ tầng, vốn đầu tư khó khăn; trong khi nền kinh tế đang cần tăng trưởng thì tiền lại không tiêu được, vốn đầu tư công giải ngân không hết” - GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, nói.
Đến hết tháng 4, giải ngân đầu tư công mới được 18,48% kế hoạch. Có 17 bộ, cơ quan Trung ương vẫn chưa giải ngân được đồng nào; vẫn còn 38.578 tỷ đồng chưa được các bộ, địa phương phân bổ chi tiết; giải ngân vốn vay nước ngoài mới đạt 3%.
“Thủ tướng Chính phủ có 2 công điện, Bộ KH-ĐT liên tục có công điện thúc đẩy. Nhưng đầu tư công vẫn cứ vướng” - TS. Cấn Văn Lực nói. Chính vì vậy, đầu tháng 5 Thủ tướng đã quyết định thành lập 6 tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng làm tổ trưởng để đốc thúc đầu tư công.
Tăng trưởng sẽ không ổn nếu đầu tư công vẫn chậm, giải ngân không hết vốn. Trong khi đó, vốn đầu tư công tăng thêm 1% sẽ lan tỏa tới tăng trưởng giá trị sản xuất ngành xây dựng 1,34% và đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06%. Nếu năm 2022 giải ngân được toàn bộ nguồn vốn đầu tư công, GDP sẽ có thêm 0,42% tăng trưởng. Đầu tư công còn có vai trò như vốn mồi thu hút nguồn vốn từ khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài.
Đã vậy, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được kỳ vọng đưa nền kinh tế phục hồi, nhưng đến nay còn nhiều chính sách chưa thực hiện được vì các nghị định, thông tư hướng dẫn chưa được ban hành.
Với những thực tế này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng tăng trưởng GDP năm nay 5,5-6% là thành công. Với kịch bản tích cực, ông Lực đưa ra GDP sẽ tăng 6-6,5%. Nhưng, ở kịch bản tiêu cực, năm 2022 chỉ tăng trưởng 4,5-5%. Năm 2023, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, GDP sẽ tăng 6,5-7%.
Thế giới đang bước một chân vào suy thoái kinh tế và lạm phát cao. Việt Nam phải hết sức thận trọng. Nếu không khéo, Việt Nam sẽ rơi vào dòng suy thoái của thế giới với lạm phát cao trong khi ta vừa vượt qua được đại dịch và nền kinh tế đang ở mức tăng trưởng quá thấp, thấp nhất kể từ ngày có tính GDP.
Nhưng cái khó của Việt Nam là rủi ro lạm phát, thâm hụt ngân sách, nợ công gia tăng và dư địa chính sách đang hẹp lại. Trong tình thế khó khăn này, trong chính sách và điều hành cần tốc độ, đột phá, gắn liền với từ “khéo”.
Theo đó, các chính sách cần tập trung hướng đến hồi phục và phát triển nền kinh tế bền vững, hướng về tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế quay trở lại vị trí tiềm năng. Chính sách tài khóa phải đi đầu. Việc tăng chi tiêu để thúc đẩy tăng trưởng, chấp nhận bội chi và nợ công cao hơn, nới lỏng tài khóa ở mức 5-6% GDP trong 2-3 năm, cũng là một gợi ý chính sách. Nhưng phải thận trọng để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô.
Một số dự báo tăng trưởng của Việt Nam - Ngân hàng Thế giới (WB): Tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%. - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB): Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): Tăng trưởng Việt Nam sẽ đạt 6% vào năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. |