Ngày 18-4, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo khoa học về thuế tối thiểu toàn cầu với chủ đề “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam”.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cho biết Việt Nam hiện có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024.
“Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận xét.
Khi áp dụng quy tắc tính thuế theo sáng kiến thuế tối thiểu toàn cầu, công cụ chính sách ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp FDI của Việt Nam sẽ buộc phải thay đổi. Ảnh minh họa |
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trước thách thức trên, năm 2022, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD. Tiếp đó, tháng 2-2023, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.
Gần đây nhất, ngày 31-3, Bộ Tài chính đã báo cáo trực tiếp Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về thuế suất tối thiểu toàn cầu, tác động và ảnh hưởng đối với Việt Nam. Tham dự cuộc họp còn có lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp ứng phó cho Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài chính hi vọng hội thảo lần này sẽ tìm ra được những giải pháp hữu hiệu đối với Việt Nam khi Việt Nam đã tham gia quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu. Hội thảo tập trung thảo luận 4 nhóm nội dung chính là: quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu; thực trạng triển khai và định hướng áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu của một số quốc gia; phân tích, đánh giá các tác động khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu đối với kinh tế, đầu tư thế giới và Việt Nam; các biện pháp ứng phó kịp thời, đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam cũng như sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Trước đó, sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) đã được OECD khởi xướng và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua nhằm ngăn chặn các hành vi làm xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận trong bối cảnh sự phát triển của kinh tế số và toàn cầu hoá đã và đang có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế - xã hội của các quốc gia.
Theo đó, các công ty đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu Euro và có lợi nhuận trên 10% doanh thu sẽ bị áp mức thuế suất tối thiểu 15% lợi nhuận kể từ đầu năm sau. Nếu tại các nước doanh nghiệp hiện nộp thuế thấp hơn mức này, thì doanh nghiệp đó phải nộp phần còn thiếu ở quốc gia nơi đặt trụ sở chính.
Tại Việt Nam, với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bình quân áp dụng cho các doanh nghiệp đa quốc gia hiện ở quanh ngưỡng 12,3%. Thậm chí, một số tập đoàn đa quốc gia lớn hiện được Việt Nam cho hưởng thuế suất ưu đãi chỉ từ 2,75-5,95%, thấp hơn nhiều quy định chung là 20%.
Như vậy, nếu Việt Nam tham gia vào cơ chế này thì cần phải sớm sửa đổi ít nhất 3 đạo luật là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các quy định có liên quan cho phù hợp với quy định quốc tế.