Ưu, nhược điểm của các kênh đầu tư trong mùa dịch COVID-19

(ĐTTCO) - Tình hình dịch bệnh COVID-19 khiến doanh nghiệp “lao đao” vì sản xuất của doanh nghiệp của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn đầu vào của nước ngoài, đặc biệt là ở các nước như là châu Âu, Trung Quốc,
Bảng niêm yết giá vàng tại Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu, phố Trần Nhân Tông, Hà Nội, sáng 27/7. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Bảng niêm yết giá vàng tại Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu, phố Trần Nhân Tông, Hà Nội, sáng 27/7. 

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đang tạo ra rủi ro lớn cho giới đầu tư. Tuy nhiên, trong rủi ro cũng không thiếu những cơ hội. Giới chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định về ưu, nhược điểm của các kênh đầu tư trong tình hình hiện nay.

Đây cũng có thể xem như những góc nhìn giúp nhà đầu tư có thêm kênh tham khảo để dòng tiền đầu tư sinh lợi nhất.

Dưới góc nhìn của chuyên gia chứng khoán Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán MB-MBS, trong thời gian vừa qua, giá vàng thế giới tăng cao do các ngân hàng trung ương bơm tiền ra rất mạnh để kích thích kinh tế.

Điều này khiến giới đầu tư e ngại rằng, trong vòng 1-2 năm tới tiền tệ sẽ bị mất giá. Bản chất của việc bơm tiền nhiều sẽ khiến lạm phát tăng cao, chính vì vậy vàng được các quỹ phòng hộ mua vào rất nhiều.

Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng tới 26-27%, thậm chí so với cùng kỳ năm ngoái giá vàng đã tăng tới gần 50%.

Vị chuyên gia nhìn nhận, kênh đầu tư vàng sẽ tăng tiếp nhưng nếu nhà đầu tư mua vàng vùng giá cao, giá tăng nóng thì sẽ bị điều chỉnh. Giá vàng thế giới điều chỉnh sẽ khiến giá vàng trong nước điều chỉnh mạnh.

“Theo tôi rất khó để đầu tư vàng bởi giá tăng quá nhanh, quá cao. Tài sản nào cũng vậy, khi giá ở mức quá cao thì rất rủi ro,” ông Sơn nói.

Đối với thị trường chứng khoán, ông Sơn cho rằng, dịch COVID-19 có thể tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán nhưng có lẽ là không quá lớn. Dịch COVID-19 bùng phát trở lại thì khả năng thị trường chứng khoán sẽ điều chỉnh và vùng cân bằng của thị trường khi VN-Index ở mức 780 điểm.

Đây là vùng cân bằng về điểm số cũng như định giá tương đối hợp lý. Thị trường giảm sâu thì nhà đầu tư có cơ hội, nên khi VN-Index quanh vùng 780 trở xuống sẽ là vùng giá mua.

Thống kê về dịch có điểm nhấn đáng chú ý là khi số ca bệnh tạo đỉnh thì thị trường chứng khoán sẽ tạo đáy, ông Sơn cho biết.

Nhận định về các thông tin vĩ mô trên thế giới, ông Sơn cho rằng, điểm sáng nổi bật trong thời gian gần đây là thỏa thuận lịch sử vừa đạt được của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu-EU sau 5 ngày đàm phán về kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 750 tỷ euro.

Theo đó, Ủy ban châu Âu đại diện cho tất cả 27 quốc gia có thể huy động hàng tỷ euro trên thị trường vốn và dùng nguồn tiền đó để viện trợ (390 tỷ euro) cũng như cho vay lãi suất thấp (360 tỷ euro) cho các nền kinh tế gặp khó khăn do đại dịch trong khu vực.

“Dù các chính sách kích thích từ phía các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn đang tiếp tục được tung ra, tuy nhiên quan sát bản cân đối tài sản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian gần đây chúng tôi cũng nhận thấy tốc độ tăng đang chậm dần,” ông Sơn cho hay.

Theo ông Sơn, thanh khoản vẫn tiếp tục được các ngân hàng trung ương duy trì, tuy nhiên thị trường chứng khoán cũng đã phản ánh với tốc độ tăng “chóng mặt” trước đó khi về gần sát đỉnh cũ khiến giá cổ phiếu trở nên rất đắt đỏ.

Chính vì vậy, bất kỳ thông tin tiêu cực nào cũng có thể khiến thị trường chứng khoán điều chỉnh trở lại trong thời điểm này khi các gói kích thích đang dần giảm hiệu quả đối với thị trường khi đã tăng quá nóng.

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, trong thời điểm hiện nay khi dịch COVID-19 chưa có điểm dừng, cũng chưa có vắc-xin thực sự hiệu quả để khống chế thì hoạt động đầu tư sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Vì lẽ đó giá vàng tăng liên tục từ đầu năm đến nay.

“Tôi đã từng dự báo nếu như dịch COVID-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Mỹ và Liên minh châu Âu-EU còn tiếp tục diễn biến phức tạp đến cuối quý III thì vàng sẽ còn tăng giá lên khoảng hơn 2.000 USD/ounce. Như vậy vàng sẽ có giá cao nhất từ trước tới nay,” ông Thịnh chia sẻ.

Vị chuyên gia cho rằng, hiện nay giá vàng đã rất cao nên đầu tư vào vàng lúc này là rất rủi ro. Nếu không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp, không theo dõi thường xuyên thị trường thì có thể sẽ mua giá cao mà phải bán giá thấp.

Đối với kênh chứng khoán, ông Thịnh cho rằng khi nền kinh tế không “khỏe mạnh” thì thị trường chứng khoán cũng không khỏe. Thị trường chứng khoán là “thước đo” của nền kinh tế nên nó cũng sẽ phải trồi sụt.

Uu, nhuoc diem cua cac kenh dau tu trong mua dich COVID-19 hinh anh 1Nhiều ngành nghề như dệt may, da giày, hay gỗ trong mấy tháng vừa qua không có đơn hàng. 

Tình hình dịch bệnh COVID-19 khiến doanh nghiệp “lao đao” vì sản xuất của doanh nghiệp của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn đầu vào của nước ngoài, đặc biệt là ở các nước như là châu Âu, Trung Quốc, Mỹ.

Trong khi tình hình dịch bệnh tại các nước này diễn biến rất phức tạp, khó lường khiến việc nhập khẩu trở nên khó khăn.

Hơn nữa, đầu ra đối với sản phẩm của doanh nghiệp cũng rất quan trọng, nếu sản phẩm sản xuất ra không bán được sẽ khiến doanh nghiệp khốn đốn.

Thực tế, nhiều ngành nghề như dệt may, da giày, hay gỗ trong mấy tháng vừa qua không có đơn hàng, hoặc là những đơn hàng cũ bị các doanh nghiệp nhập khẩu xin hoãn, giãn nhập, ngừng nhập. Vì vậy, hy vọng nền kinh tế phát triển mạnh mẽ chưa nhiều thì giá cổ phiếu xuống là đương nhiên.

Chuyện lên xuống của thị trường chứng khoán là bình thường nhưng xu thế chung là đi xuống và nếu đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trở lại sẽ là điều nguy hiểm, ông Thịnh nhận định.

Đối với kênh gửi tiết kiệm, chuyên gia này cho rằng, kênh tiết kiệm đã trở nên kém hấp dẫn khi lãi suất tiết kiệm và lãi suất cho vay đang giảm. Ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi khiến danh giới giữa lãi suất tiền gửi với lạm phát tiến gần nhau, thậm chí là bằng nhau. Theo đó, đầu tư bằng gửi tiết kiệm cũng không hiệu quả, ông Thịnh nhận định.

Với kênh đầu tư bất động sản, ông Thịnh cho rằng, trong thời gian vừa qua bất động sản gặp khó khăn, sản phẩm không bán được nên một số phân khúc bất động sản xuống giá so với trước đây.

Bất động sản cũng giống như vàng, nghĩa là loại tài sản này cũng là tài sản lớn tích trữ để dành lâu dài, nhưng nó có ưu điểm là giá lên xuống theo thị trường và không bị tác động quá lớn bởi việc làm giá như đối với vàng.

“Thực tế, bất động sản làm giá là không dễ bởi vì cần phải tạo sóng và tạo sóng trong điều kiện này thì rất khó. Vì vậy kênh này có thể là khả dĩ nhất để đầu tư,” ông Thịnh khuyến nghị.

Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, thị trường vàng có biến động rất mạnh trong thời gian vừa qua và đang đến ngưỡng 2.000 USD/ounce, giá vàng trong nước đang dao động quanh ngưỡng 58 triệu đồng/lượng và cũng đang có xu hướng tiến tới 60 triệu đồng/lượng. Mức lợi nhuận của vàng lên đến khoảng 30% kể từ đầu năm, cao nhất trong tất cả các tài sản đầu tư.

“Tính trên cơ sở 1 năm thì vàng cho lợi nhuận có thể hơn 40%, trong khi gửi tiền ngân hàng chỉ đạt 6-7%, thị trường chứng khoán lên xuống thất thường, thị trường ngoại hối 'lình xình,' bất động sản mua rồi có thể khiến nhà đầu tư bị lỗ. Vì vậy, kênh đầu tư vàng có vẻ là khởi sắc nhất,” ông Hiếu nhận định.

Dù vậy, vị chuyên gia này khuyến nghị, đối với nhà đầu tư cá nhân đây là kênh sinh lời lớn, tuy nhiên mức độ rủi ro cũng rất cao. Đơn cử như hồi tháng 3 năm nay khi giá vàng lên cao sau đó xuống rất sâu gây ra thiệt hại cho nhà đầu tư. 

Giá vàng lên cao cũng có thể xuống rất thấp và tạo ra một rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư. Nhưng đây là nguyên tắc của đầu tư, nếu rủi ro cao thì lợi nhuận cao, vì thế những người giao dịch vàng trong lúc này phải hết sức cẩn thận, nếu chấp nhận được rủi ro thì hãy nên tham gia, vị chuyên gia khuyến cáo.

Các tin khác