Báo cáo của VEPR cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III-2019 đạt mức 7,31% và trong 9 tháng đạt 6,98%. Trong đó, 9 tháng năm 2019, khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,85%, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu 2,02%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 9,56%. Chỉ số sản xuất công nghiệp IPI tăng 9,6%, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%.
VEPR dự báo, mức tăng trưởng kinh tế trong quý IV-2019 sẽ đạt 7,26% và tăng trưởng cả năm sẽ đạt mức 7,05%.
Đáng chú ý, trong báo cáo, nhóm chuyên gia kinh tế của VEPR đã đưa ra cảnh báo Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ trong tương lai gần. Cụ thể, cán cân thương mại hàng hóa trong quý III ước tính thặng dư 4,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước thâm hụt 4,9 tỷ USD, khu vực FDI (kể cả dầu thô) thặng dư 9,16 tỷ USD. Trong 8 tháng năm 2019, giá trị xuất khẩu của hàng Việt Nam sang Mỹ tăng 27% về mặt giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 39 tỷ USD.
Theo đánh giá của VEPR, việc Việt Nam trở thành 1 trong 7 đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ trong quý III, cùng với lượng dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng tới hơn 71 tỷ USD đã đưa Việt Nam tới gần cáo buộc thao túng tiền tệ của Mỹ. Do đó, VEPR khuyến cáo Ngân hàng Nhà nước cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt và khách quan. Việt Nam nên tập trung vào các chính sách về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để đối mặt bất ổn của kinh tế thế giới, đặc biệt nên điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, giữ lãi suất ổn định.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng nóng và có nguy cơ chuyển thành một cuộc chiến tiền tệ, khi Mỹ chính thức gắn nhãn “thao túng tiền tệ” đối với Trung Quốc. Dù hiện nay chưa rõ ràng về viễn cảnh tồi tệ này, nhưng đã có những nhận định ảm đạm về những hậu quả khó lường đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Việt Nam có thể bị “vạ lây” bởi cuộc chiến thương mại.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần phối hợp tốt để trao đổi thông tin, giải trình, thể hiện thiện chí, thường xuyên trao đổi với Mỹ. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề Bộ Tài chính Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc giải trình các vấn đề liên quan tới chính sách tỷ giá, thương mại của Việt Nam.
Đặc biệt, một mặt cần phải có giải pháp để tránh bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ, gây rất nhiều bất lợi cho Việt Nam, mặt khác cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý.