Vậy giải pháp nào để giúp các doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu, thúc đẩy xuất khẩu, vượt qua khó khăn, giữ nhịp tăng trưởng kinh tế? Phóng viên có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về vấn đề này.
- PHÓNG VIÊN: Thưa Bộ trưởng, hiện nay nhiều doanh nghiệp của chúng ta đang đối mặt với nguy cơ khan thiếu nguyên liệu sản xuất, có nơi chỉ cầm cự nổi đến cuối tháng 3 này. Vậy, Bộ Công thương đã có giải pháp nào nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu thay thế cũng như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu?
* Bộ trưởng TRẦN TUẤN ANH: Ngay khi dịch Covid-19 phát sinh, Bộ Công thương đã nhận thấy khả năng tác động của dịch bệnh đến chuỗi cung ứng của các ngành hàng công nghiệp, trong đó có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, nhựa, sắt thép..
Bộ Công thương đã có những buổi làm việc với các hiệp hội nói chung và với từng hiệp hội, nhóm doanh nghiệp để có đánh giá chính xác hơn về tác động đối với từng nhóm doanh nghiệp, các vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải và các nguyên liệu cơ bản có khả năng thiếu hụt trong thời gian tới.
Bộ đang chỉ đạo Vụ Thị trường ngoài nước, các cục, vụ có liên quan trong bộ, các thương vụ và chi nhánh thương vụ phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tìm kiếm các nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu nước ngoài để thông tin cho các ngành sản xuất trong nước. Vấn đề này còn phụ thuộc vào doanh nghiệp và hiệp hội trong việc đề xuất mặt hàng cụ thể, quy cách chất lượng... để Bộ Công thương có cơ sở hỗ trợ tìm nguồn nguyên liệu.
Bộ Công thương đã điều chỉnh, bổ sung chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để tìm kiếm các thị trường mới, trong đó có các thị trường nhập khẩu nguyên liệu thay thế cho nguyên liệu đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi nguồn cung gián đoạn tăng cường tìm kiếm, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu ngay trong nước.
Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu, phụ liệu của Việt Nam giới thiệu và bán được sản phẩm cho chính các doanh nghiệp trong nước.
- Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những tác động của dịch bệnh đến các hoạt động xuất nhập khẩu, các giải pháp mang tính đột phá hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài?
* Dịch Covid-19 đã tác động toàn diện ở tất cả các mặt từ y tế, giao thông, du lịch, giáo dục và thương mại… Riêng đối với lĩnh vực thương mại, Việt Nam không chỉ bị ảnh hưởng trong quan hệ trực tiếp với Trung Quốc mà còn cả trên các thị trường khác, từ khâu xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới đến thương mại nội địa, sản xuất công nghiệp và quản lý chuỗi giá trị cung ứng.
Một số tác động có thể chỉ ra đối với xuất nhập khẩu với Trung Quốc như: kéo dài thời gian giao hàng, thông quan do phải thực hiện các công tác kiểm dịch y tế ngặt ở cả hai đầu (xuất và nhập); giao thương qua đường bộ giữa hai nước giảm sút; nhu cầu nhập khẩu phục vụ tiêu dùng và sản xuất của Trung Quốc giảm. Về nhập khẩu, một số khó khăn có thể xảy ra khi nguồn hàng từ Trung Quốc giảm, có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Về cân đối cung cầu, có thể xảy ra tình trạng thiếu - thừa một số loại hàng hóa nhất định.
Chính phủ cũng đã nhận thức được các khó khăn có thể tác động đối với hoạt động kinh tế và đã chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19, hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh đến tình hình phát triển kinh tế. Về phía Bộ Công thương, ngay khi dịch Covid-19 bắt đầu có diễn biến phức tạp và có khả năng tác động bất lợi đến xuất nhập khẩu với Trung Quốc, Bộ Công thương ban hành liên tục nhiều công văn gửi các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để hướng dẫn, thông báo cập nhật diễn biến tình hình trong nước và khu vực biên giới nhằm tránh ảnh hưởng đến tốc độ thông quan và gây ùn ứ tại khu vực cửa khẩu do tác động của dịch Covid-19, đồng thời chuyển hướng xuất khẩu chính ngạch.
Bộ Công thương cũng luôn theo dõi sát tình hình xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc; đôn đốc các tỉnh có biên giới với Trung Quốc chủ động làm việc với phía bạn để xác định cụ thể các biện pháp bảo đảm thông quan hàng hóa, đồng thời kiểm soát tốt dịch bệnh.
Về các giải pháp mang tính dài hạn, vừa qua Bộ Công thương tiếp tục ban hành Chỉ thị số 05/CT-BCT về việc triển khai các giải pháp tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công thương giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị phát triển xuất khẩu, tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, góp phần đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu theo mục tiêu đã được giao.
Tuy vậy, chúng tôi cũng xác định để duy trì các mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta cần có các giải pháp căn cơ là đẩy mạnh tái cơ cấu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thị trường nhập khẩu và phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ để giảm dần phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Về các giải pháp dài hạn, chúng ta cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án công nghiệp quy mô lớn; tập trung xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, đóng vai trò động lực cho tăng trưởng, nhất là dự án năng lượng.
Cần chủ động làm việc với các hiệp hội ngành hàng, các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu; đề xuất các giải pháp với Chính phủ và các bộ ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa; chủ động nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, góp phần đảm bảo tăng trưởng theo mục tiêu đã được giao.
Việc đa dạng hóa thị trường, mặt hàng nhập khẩu cũng sẽ được đưa vào nội dung thảo luận tại các phiên họp ủy ban hỗn hợp giữa Việt Nam với các nước và dự thảo chiến lược phát triển xuất nhập khẩu giai đoạn tới. Chúng ta cần sớm hoàn tất công tác chuẩn bị triển khai thực hiện EVFTA khi hiệp định được Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn nhằm tận dụng cơ hội từ hiệp định này, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, cũng như tìm kiếm các thị trường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào thay thế.
Điểm quan trọng nữa là chúng ta phải đẩy mạnh cải cách thực chất nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cũng như tổ chức lại sản xuất phải tiếp tục được triển khai để tăng sức chống đỡ của nền kinh tế, thúc đẩy nội lực trong nước.
- Nhiều người cho rằng, dịch Covid-19 là một phép thử đối với nền kinh tế, nhất là đối với những ngành đang phụ thuộc vào một thị trường, một nguồn nguyên liệu sản xuất. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
* Tôi cho rằng khó khăn, thách thức cũng luôn song hành cùng cơ hội, đây là lúc các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa và triển khai thực chất hơn chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, cơ cấu lại thị trường, đối tác…
Qua đó hạn chế rủi ro, giảm bớt sự quá phụ thuộc vào chỉ một hoặc một vài thị trường trọng điểm. Không chỉ với doanh nghiệp mà tôi cho rằng ngành công thương cũng cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình tái cơ cấu trong từng lĩnh vực, từng ngành hàng, thị trường.
Chúng ta cũng cần thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng trên cơ sở đổi mới sáng tạo, công nghệ, năng lực quản trị và chuyển đổi số, nhất là trong chế biến, chế tạo của khu vực doanh nghiệp Việt. Qua đó, xây dựng được một nền kinh tế độc lập tự chủ, ít phụ thuộc hơn, nâng cao khả năng chống và thích ứng với các biến động. Khơi dậy nội lực trong nước, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng hàng hóa trong nước; khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhiều lần nhắc “phải biết biến nguy thành cơ” là muốn nhấn mạnh rằng đã đến lúc mọi doanh nghiệp, mọi thành phần, lĩnh vực cần biết biến những thách thức thành cơ hội, tìm kiếm các giải pháp mang tính đột phá, tái cơ cấu toàn diện để vượt qua thách thức, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng!