Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu sang thị trường Canada

(ĐTTCO) - Ngày 23-3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Canada tại Hà Nội tổ chức hội thảo “Quan hệ thương mại Việt Nam – Canada”. 
Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu sang thị trường Canada
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ đánh giá lại 2 năm thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hướng tới tương lai hợp tác thương mại bền vững hậu Covid-19.
Phát biểu tại hội thảo, bà Deborah Paul, Đại sứ Canada tại Việt Nam khẳng định, CPTPP đã cải thiện khả năng tiếp cận cho hoạt động thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Canada và Việt Nam, củng cố một bộ quy tắc chung, giảm chi phí đối với thương mại và giúp cho hoạt động đầu tư dễ dự đoán hơn. Điều này giúp cải thiện lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm tại hai thị trường. 
Nhờ CPTPP giá trị thương mại hàng hóa song phương giữa Canada và Việt Nam đã đạt mức kỷ lục 8,9 tỷ đô la Canada vào năm 2020, tăng 12% so với năm trước và 37% sau 2 năm Hiệp định có hiệu lực bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới thương mại toàn cầu.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Canada còn rất lớn, trong nhiều lĩnh vực như chế biến thực phẩm, giáo dục, công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ sạch... Việc doanh nghiệp Việt Nam và Canada cùng hợp tác trong khuôn khổ CPTPP sẽ là động lực để hai nước cùng thành công trong giai đoạn mới, đẩy mạnh quan hệ thương mại Việt Nam - Canada lên tầm cao mới.
Đánh giá về dư địa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Canada, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc VCCI) nhận định: Việt Nam có nhiều thuận lợi khi đưa hàng hóa vào thị trường Canada khi người châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng sang định cư tại Canada ngày càng nhiều. Canada có chính sách khá mở về hàng nông sản nhiệt đới với thuế quan áp dụng không cao; người tiêu dùng Canada không quá bảo thủ, họ sẵn sàng thử sử dụng sản phẩm mới nếu giá cả cạnh tranh.
Việt Nam có nhiều sản phẩm có thế mạnh mà người tiêu dùng Canada có nhu cầu cao hoặc đang gia tăng nhu cầu như điện thoại, đồ gỗ, may mặc, giày dép, trà, cà phê, rau quả nhiệt đới; nhiều sản phẩm của Việt Nam đã chinh phục được các thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Nhật Bản nên cũng có thể đáp ứng được các yêu cầu cao của thị trường Canada...
Năm 2019, một năm sau khi Hiệp định CPTPP đi vào thực thi, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Canada ghi nhận những tăng trưởng vượt bậc, đạt 4,8 tỷ USD, tăng tới 23,3% so với năm 2018. Năm 2020, trao đổi thương mại song phương vẫn đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,6%, bất chấp khó khăn của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế thế giới. 
Dệt may, giày dép, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, đồ gỗ là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Canada, trong khi máy móc, thiết bị, lúa mì, đậu tương, hóa chất là các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Canada. 
Tính đến cuối năm 2020, Canada là nhà đầu tư lớn thứ 14 của Việt Nam, với 212 dự án, trị giá hơn 5,05 tỷ USD. Các dự án của nhà đầu tư Canada tại Việt Nam được đánh giá là có chất lượng cao trong các lĩnh vực đầu tư chủ chốt như dịch vụ khách sạn, bảo hiểm, năng lượng tái tạo…

Các tin khác