Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 xuống còn 1,7%, thay vì 3% đã đưa ra trước đó. Mức tăng trưởng chậm sẽ xảy ra ở 95% các nền kinh tế phát triển và gần 70% trong số các nền kinh tế mới nổi.
Dù còn nhiều thách thức song năm nay Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 1 vừa được Ngân hàng Thế giới công bố hôm nay (1/11).
Mức tăng trưởng GDP dự báo năm 2023 đạt 6,5% giúp Việt Nam đứng vị trí thứ 2 về tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực. Theo sau là Philippines, Mông Cổ, Campuchia, Trung Quốc…
Bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: "Chúng tôi dựa vào những động lực chính, giúp duy trì đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay gồm sức tiêu dùng nội địa rất mạnh. Nên nhớ rằng đây là yếu tố giúp sản xuất kinh doanh trong nước được duy trì, hàng hoá được lưu chuyển, tạo ra dòng tiền ổn định trong nền kinh tế trong bối cảnh sức tiêu thụ bên ngoài thấp do tác động của lạm phát, sức cầu bị tác động lớn".
Báo cáo cũng chỉ ra sau một năm phục hồi ấn tượng, mức tăng trưởng năm nay nhìn chung ở mức vừa phải, có phần chậm lại do tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư mới của khu vực giảm tốc mạnh hơn so với dự kiến.
Các nền kinh tế phụ thuộc vào hàng hóa và xuất khẩu như Việt Nam, Mông Cổ, Phillippines… rất dễ bị tổn thương khi các thị trường lớn đều giảm nhu cầu tiêu thụ.
"Đầu tư chững lại là một vấn đề đáng quan ngại nghiêm trọng vì có liên quan đến năng suất và thương mại suy giảm, đồng thời làm giảm triển vọng kinh tế nói chung. Trong giai đoạn đại dịch đầu tư bị thu hẹp khoảng 70% tại các nền kinh tế đang phát triển và trong tương chúng tôi dự báo tăng trưởng đầu tư sẽ tiếp tục giảm", ông Ayhan Kose - Giám đốc Nhóm Triển vọng, Ngân hàng Thế giới cho biết.
WB nhận định với điều kiện kinh tế mong manh hiện nay, bất kỳ tác động tiêu cực mới nào gia tăng như lạm phát cao hơn dự kiến cùng chính sách tăng lãi suất đột ngột để ngăn chặn lạm phát, hay sự lây lan trở lại của dịch COVID-19, đều có thể đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Đây có thể sẽ là lần đầu tiên sau hơn 80 năm xảy ra 2 cuộc suy thoái toàn cầu trong cùng một thập kỷ.