Theo đó, kinh tế Việt Nam đang phục hồi rất vững chắc và dự báo trở thành tâm điểm tăng trưởng mới của châu Á. Tờ Reuter có bài viết với nhan đề "Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh", trong đó khẳng định nguồn vốn FDI cam kết vào Việt Nam đã tăng mạnh trong tháng 10 với trị giá 5,3 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình hàng tháng là 2,2 tỷ USD.
Tờ India Time có bài viết khẳng định "Việt Nam trở thành tâm điểm mới của tăng trưởng châu Á". Tờ báo này nhấn mạnh, bất chấp những khó khăn trong năm 2023, Việt Nam đã thu hút hơn 20 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 9 tháng đầu năm, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Anwar Aridi - Chuyên gia cấp cao về Chính sách đổi mới sáng tạo, Ngân hàng Thế giới đánh giá: "Sự tăng trưởng được tạo ra trong nền kinh tế Việt Nam được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư của các công ty đa quốc gia và nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đây là một ví dụ điển hình cần được nhân rộng trong khu vực. Tuy nhiên, trong tương lai, Việt Nam cũng cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tìm kiếm các nguồn tăng trưởng mới và tinh thần kinh doanh đổi mới là nguồn tăng trưởng chính".
Tờ Nikkei Asia đánh giá đã thấy dấu hiệu phục hồi kinh tế ở quốc gia vốn rất nhạy cảm với những biến động của nhu cầu thế giới, khi xuất khẩu và sản lượng công nghiệp của Việt Nam trong tháng 10 đã tăng so với một năm trước đó.
Cụ thể, xuất khẩu trong tháng 10 đã tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu cũng chứng kiến mức tăng 5,2%.
Ông Sugano Yuichi - Trưởng Đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng vào sự phục hồi của kinh tế Việt Nam trong tương lai nhờ sự tăng trưởng của tiêu dùng nội địa, sự tăng cường của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và sự phục hồi của ngành du lịch. Chúng tôi đã ký một thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19. Chúng tôi hy vọng rằng chương trình hỗ trợ này sẽ góp phần phục hồi nền kinh tế Việt Nam".
Tờ Tân Hoa Xã nêu bật con số ấn tượng tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay, khi tăng tới 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 207,5 tỷ USD. Chỉ tính riêng tháng 10, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng cũng tăng tới 7% so với cùng kỳ và tăng hơn 1,5% so với tháng 9.