Trong đó, cụ thể hóa việc hỗ trợ kích cầu đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp và CNHT, danh mục các dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu, bao gồm: Cơ khí (17 danh mục); hóa chất nhựa, cao su (10 danh mục); chế biến lương thực - thực phẩm (2 danh mục); điện tử - công nghệ thông tin (14 danh mục) và 2 ngành truyền thống dệt may (5 danh mục), da giày (2 danh mục). Đồng thời, chương trình này hỗ trợ lãi suất từ ngân sách TP, áp dụng cho các dự án đáp ứng đủ điều kiện và được UBND TP phê duyệt hỗ trợ lãi suất.
Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 70% vốn đầu tư xây dựng cơ bản, 85% vốn công nghệ và thiết bị, đồng thời không quá 200 tỷ đồng cho một dự án.
Tuy nhiên, dù Chương trình kích cầu đầu tư của UBND TPHCM đã triển khai qua hơn 3 năm, nhưng số lượng DN tiếp cận được nguồn hỗ trợ còn rất khiêm tốn. Quy định của chương trình này quá chặt chẽ, trong khi tiềm lực DN còn non yếu khiến 2 bên không thể gặp nhau.
Cụ thể, tính đến nay, kể cả trong quá trình chuyển tiếp giữa 2 quyết định nêu trên, TPHCM đã duyệt 12 dự án CNHT được vay vốn theo chương trình kích cầu với tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất 545,5 tỷ đồng. Đây được đánh giá là tỷ lệ khá ít và các dự án này đều là những DN lớn. Trong khi đó, có tới 95% DN CNHT có quy mô nhỏ, đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ kích cầu.
Việc tiếp cận khoản vay hỗ trợ kích cầu của TP gần như bế tắc còn do khó khăn khi vay vốn tại ngân hàng. Theo đó, DN muốn vay được vốn hỗ trợ kích cầu phải có tài sản đảm bảo, cùng các thủ tục điều chỉnh danh mục đầu tư phức tạp và mất nhiều thời gian. Thủ tục này đang khiến nhiều DN quy mô nhỏ để duy trì hoạt động phải huy động vốn từ gia đình, thậm chí vay vốn bên ngoài với lãi suất cao với nhiều rủi ro.
Vấn đề ở đây là TP chỉ bù lãi vay kích cầu, còn DN phải tự liên hệ với ngân hàng để vay vốn. Khi được 1 trong 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn TPHCM đồng ý cho vay, DN hoàn chỉnh hồ sơ nộp về Sở Công Thương để xét duyệt. Nếu hồ sơ đạt yêu cầu, TP sẽ bù lãi vay cho DN, thời gian được tính từ khi ngân hàng giải ngân vốn.
Thế nhưng, trên thực tế DN luôn gặp khó khăn từ phía ngân hàng khi đi vay vốn do thiếu tài sản thế chấp, đặc biệt là DNNVV. Mặt khác, một phần do các DN chưa chủ động, ngại làm thủ tục, hồ sơ vay vốn kích cầu.
Để tạo điều kiện cho DN có thể khơi thông bế tắc khi làm hồ sơ tiếp cận nguồn vốn vay cấp bù lãi suất kích cầu, hiện Sở Công Thương ngoài phát hành hồ sơ, nếu DN có nhu cầu về thủ tục sẽ được các bộ phận chuyên môn của sở hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, DN phải chứng minh được năng lực để ngân hàng đồng ý cho vay, bước kế tiếp mới đến UBND TP xem xét quyết định là có đủ điều kiện cấp bù lãi suất theo chương trình kích cầu hay không. Và đây lại là rào cản cho DN trong vay vốn kích cầu.
Mục tiêu của chương trình kích cầu là khuyến khích các DN, tổ chức kinh tế tập thể đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại, thay thế hàng nhập khẩu, tạo ra giá trị sản phẩm gia tăng, phát triển mạnh mẽ các ngành CNHT, thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, thể dục thể thao. Do đó, TPHCM cần sớm sửa nội dung trong quy định hiện hành về thực hiện Chương trình kích cầu đầu tư để DN có thể dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn này.
Cộng đồng DN cũng mong muốn TP có cơ chế bảo lãnh tài chính cho DN không có tài sản thế chấp, hoặc xây dựng quỹ tài chính mạnh để hỗ trợ, giúp DN mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, các thủ tục xét duyệt ưu đãi cho DN, thủ tục vay vốn tại ngân hàng cũng cần được đơn giản hóa. Có vậy các chương trình kích cầu đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp và CNHT của TP mới thực sự đạt được hiệu quả thiết thực, tạo tiềm lực cho DN phát triển bền vững.