Theo số liệu thống kê mới nhất, dư nợ tín dụng BĐS đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, là lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn với 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, cao nhất trong 5 năm qua. Vay nhiều thì nợ nhiều! Theo Bộ Xây dựng, ngành BĐS đang nợ vay hơn 1,2 triệu tỷ đồng, trong đó từ ngân hàng là 800.000 tỷ đồng, còn lại là trái phiếu. Tất nhiên, lật các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, việc nợ phải trả lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng hiện nay không còn là lạ. Đó cũng là lý do mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phải thốt lên tại hội nghị: Có trường hợp doanh nghiệp triển khai đồng thời trên 50 dự án, rất dàn trải, nên khi khó khăn sẽ rất khó xử lý!
Không phải chờ đến hội nghị diễn ra mà ngay sau Tết Âm lịch, có dịp gặp gỡ với một số doanh nghiệp BĐS, câu cửa miệng là “khó khăn quá, không có tiền”. Họ phân tích rằng, ngân hàng khẳng định sẽ cho vay nếu như dự án có đầy đủ hồ sơ pháp lý, thật ra chỉ đúng về lý thuyết. Bởi lẽ, nhiều năm qua thủ tục hồ sơ pháp lý dự án BĐS được phê duyệt rất ít, vì nhiều vướng mắc. Điều đó dẫn tới dự án bất động, trong khi lãi vay, chi phí bộ máy vẫn phải trả đều đặn. Vấn đề ở đây là: ngân hàng yêu cầu dự án có đầy đủ pháp lý thì giải ngân, nhưng dự án không được các cơ quan chức năng phê duyệt thì làm sao vay được tiền?
Trên thực tế, không chỉ lĩnh vực BĐS đang bị mắc kẹt về tài chính. Mới đây, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cũng cho biết, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh mỗi ngành đều có khó khăn riêng, căng thẳng nhất vẫn là vấn đề... tài chính!
Trở lại với kết quả tăng trưởng kinh tế ấn tượng của năm 2022. Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đề ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm là 3,15%, tăng trưởng GDP đạt 8,02% - cao nhất trong nhiều năm qua. Đây là bức tranh cực kỳ tươi sáng của nền kinh tế Việt Nam, trong khi đó nhiều nước rơi vào cảnh khó khăn, lạm phát bùng lên. Trên cơ sở này, nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp cho rằng hiện là “thời điểm vàng” để Chính phủ ban hành chính sách điều hành tín dụng linh hoạt, phù hợp với nội tại; ngân hàng phải bơm mạnh tín dụng cho nền kinh tế. Lưu ý rằng, năm ngoái định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, sau đó nới room thêm 1,5%-2%, nhưng thống kê chỉ dừng lại mức tăng trưởng 12,8%, đó cũng là nguyên nhân vào thời điểm nửa cuối năm 2022 rất nhiều lĩnh vực kêu khát vốn. Tiếp theo đó, cần hạ lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay, nhằm dẫn vốn vào nền kinh tế kịp thời.
Về phân loại tín dụng, cần xác định rõ chỉ ưu tiên rót vốn vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, ưu đãi nông nghiệp. Riêng lĩnh vực BĐS, chỉ ưu tiên cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội nhằm giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp. Tất nhiên, phân khúc này cần có sự đồng hành quyết liệt của chính quyền, giảm các thủ tục phê duyệt dự án. Còn các phân khúc mang tính đầu cơ thì để thị trường điều tiết.
Thực tế cũng cho thấy, mặc dù chúng ta nói đa dạng nguồn vốn cho nền kinh tế, nhưng thực chất còn lệ thuộc vào chiếc “van” ngân hàng. Do vậy, phải đẩy mạnh xây dựng đa kênh huy động vốn cho nền kinh tế. Ở đó, Trung tâm Tài chính quốc tế TPHCM sớm được phê duyệt và đi vào vận hành, nhằm thu hút vốn đầu tư quốc tế, thật sự là một giải pháp cấp bách!