Thông tin từ các DN, thời điểm hiện tại về cơ bản đơn hàng xuất khẩu dệt may đã có đủ tới hết quý III/2024, nhưng đơn hàng quý IV/2024 vẫn chưa chắc chắn, vì các khách hàng còn thận trọng theo dõi các diễn biến của thị trường. Tình hình chung hiện nay tại các DN dệt may là đơn giá chưa được cải thiện nhiều, nhất là với các đơn hàng FOB.
Tín hiệu tốt hơn nhưng thách thức chưa dừng lại
Đưa ra một số nhận định về cơ hội SXKD, xu hướng của thị trường cũng như tình hình thực tế đơn hàng tại DN, ông Bùi Văn Tiến, Tổng Giám đốc May Việt Tiến cho biết, ngành dệt may Việt Nam nhìn thấy tín hiệu tốt hơn từ quý I/2024. Dù vậy, năm 2024 dự báo thách thức chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc, liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may… Bên cạnh đó, các yếu tố chiến tranh, lạm phát trên thế giới dẫn đến chi phí ngày càng tăng cao, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động và kết quả kinh doanh của DN.
Năm 2024, May Việt Tiến lên kế hoạch với tổng doanh thu 8.360 tỷ đồng và lãi trước thuế 200 tỷ đồng, lần lượt giảm 3% và 5% so với thực hiện 2023, thu nhập bình quân người lao động tăng 4%. Để thưc hiện kế hoạch này, đối với thị trường xuất khẩu, May Việt Tiến sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá lại toàn diện thị trường, khách hàng, mặt hàng năm 2023 để đưa ra giải pháp cho kế hoạch năm 2024; tiếp tục tập trung vào 2 khách hàng lớn là Nike và Uniqlo; tìm kiếm thêm đơn hàng xuất khẩu.
“Với thị trường nội địa, đơn vị sẽ xây dựng phương án hoạt động để có hình thức kinh doanh mới trong năm 2024, mục tiêu giữ ổn định thị trường nội địa, giải phóng nhanh hàng tồn kho. May Việt Tiến rà soát đánh giá lại hệ thống cửa hàng, tạm dừng và thay đổi địa điểm với những cửa hàng không hiệu quả. Tiếp tục áp dụng công nghệ RFID vào quản lý bán hàng và hàng tồn kho; phát triển sản phẩm mới mang thương hiệu cũng như tái cấu trúc hoạt động bán hàng online”, ông Tiến cho biết.
Nhận định về các yếu tố tác động ảnh hưởng tới xuất khẩu dệt may Việt Nam nửa cuối năm 2024, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, tổng cầu dệt may năm 2024 dự báo tăng 5%-6% so với 2023 nhưng vẫn thấp hơn năm 2019. Do đó, đơn hàng và đơn giá sẽ chưa được cải thiện nhiều.
“Các yếu tố về xung đột địa - chính trị vẫn căng thẳng, đe dọa sự phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng. Kết quả các cuộc bầu cử lớn trong 2024 (đặc biệt bầu cử Mỹ) tiềm ẩn những thay đổi lớn về chính sách. Bên cạnh đó, các quốc gia đang thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu dệt may, cạnh tranh lấy lại thị phần như giảm giá, chính sách hỗ trợ trong nước đặc biệt là Trung Quốc. Yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến DN chính là chi phí đầu vào sẽ tăng do cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện và lãi suất ngân hàng tăng…”, ông Đức Anh phân tích.
Đánh giá thực trạng chung của ngành dệt may hiện nay, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, ngoài các yếu tố bất lợi trong cạnh tranh tại nhiều thị trường quốc tế, một số yếu tố trong nước cũng có thể tác động trực tiếp đến hoạt động SXKD của các DN. Trong đó có thể tính đến việc lãi suất tăng, vấn đề lương tối thiểu cũng như các vấn đề mới của BHXH có thể tạo ra một số diễn biến không có lợi về thị trường lao động.
Tăng năng suất đáp ứng yêu cầu giao hàng nhanh
Tuy nhiên, xu hướng chung của thị trường hiện nay là sản phẩm rẻ chiếm ưu thế tuyệt đối, nên các DN duy trì giá bán giảm để xử lý tồn kho về mức trước dịch. Các hãng thời trang cơ bản đã vượt qua khó khăn, lợi nhuận tăng trưởng rất tốt so với các nhà sản xuất. Do đó, các DN dệt may trong nước cần tính toán để có thể chốt được đơn hàng trong những tháng cuối năm, nhất là với thị trường Mỹ và EU, đồng thời tích cực truyền thông về xuất xứ minh bạch của hàng dệt may từ Việt Nam.
“Các DN cần luôn chủ động, quyết liệt đảm bảo các yếu tố trọng yếu trong quản lý năng suất, quản lý giá thành để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu khách hàng, thị trường. Dưới góc độ tài chính, một số đơn vị cần đưa ra một số giải pháp khi tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng, cũng như một số phương án về quản trị dòng tiền, quản trị hàng tồn kho để giảm thiểu rủi ro tài chính…”, ông Trường nêu định hướng.
Đề cập đến những giải pháp thích ứng của DN dệt may trong bối cảnh hiện nay, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, các DN trong ngành cần tiếp tục thực hiện đa dạng hóa thị trường, bạn hàng, mặt hàng. Đặc biệt, DN cần có chiến lược phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu về xanh hóa, đầu tư vào quản trị số, các giải pháp đầu tư về công nghệ tự động hóa ở một số dây chuyền sản xuất, giao hàng nhanh, chất lượng cao.
“DN dệt may cần tập trung cho giải pháp công nghiệp thời trang, quan tâm định hình đưa ra giải pháp chiến lược cho một số thương hiệu, nhãn hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới, đây là vấn đề rất quan trọng để gia tăng giá trị và sức cạnh tranh”, ông Vũ Đức Giang nêu.