Xuất khẩu hàng hóa, đã bắt đầu thấy gam màu sáng

(ĐTTCO) - Trái ngược với không khí ảm đạm của những tháng đầu năm, từ tháng 8 đơn hàng xuất khẩu đã dần trở lại với các doanh nghiệp trong nhiều nhóm ngành xuất khẩu của Việt Nam. 
Ngành dệt may đón những tín hiệu tích cực, riêng trong tháng 8 đã xuất khẩu hơn 3,6 tỷ USD.
Ngành dệt may đón những tín hiệu tích cực, riêng trong tháng 8 đã xuất khẩu hơn 3,6 tỷ USD.

Công nhân bắt đầu tăng ca

Thay vì phải nghỉ luân phiên do thiếu đơn hàng xuất khẩu, thời gian gần đây người lao động tại CTCP Tập đoàn Gia Định (chuyên xuất khẩu da giày) đã đi làm toàn thời gian, thậm chí tăng ca để kịp xuất hàng.

Chia sẻ với ĐTTC, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT, cho biết các nhà mua hàng đã quay trở lại Việt Nam. Một trong những thị trường chính của da giày Việt Nam là Mỹ đang có những tín hiệu tốt, khi hàng tồn kho giảm, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ dịp Noel và Tết Dương lịch tăng dần. Thời gian qua các DN cũng đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới tại Nam Phi, châu Á. Ngay tại thị trường Trung Quốc cũng có nhiều mặt hàng DN Việt có thể xuất khẩu qua, nên thời điểm này bắt đầu “hái trái ngọt”.

Để giữ đà tăng trưởng cho xuất khẩu cuối năm, ngoài nỗ lực của các DN, sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng là rất cần thiết.

Cùng với da giày, dệt may cũng đón những tín hiệu tích cực. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), thông tin 8 tháng qua toàn ngành xuất khẩu được 26,3 tỷ USD, riêng tháng 8 xuất khẩu hơn 3,6 tỷ USD.

Như vậy thị trường dệt may đã bắt đầu có dấu hiệu nóng lên so với những tháng đầu năm. Một số DN trong ngành cũng cho biết các nhà mua hàng của Mỹ, châu Âu đã quay trở lại nhiều hơn, và việc khai thác những thị trường mới cũng đang mang lại kết quả khả quan cho toàn ngành.

Tương tự là thủy sản và gỗ. Theo đó, xuất khẩu thủy sản tháng 8 đạt 846 triệu USD, dù giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm trước nhưng là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng qua, và doanh số cao hơn so với những tháng trước. Dự báo cuối năm khi hàng tồn kho của các thị trường chính như Mỹ, châu Âu giảm mạnh, lại vào mùa lễ hội, xuất khẩu thủy sản sẽ khởi sắc hơn.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho biết từ tháng 5 đến nay xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ bình quân mỗi tháng có thể đạt trên 1,2 tỷ USD. Dự báo, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ có thể đạt thêm 6 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 lên 14-14,5 tỷ USD.

Mỹ vẫn là thị trường chính

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 8 hoạt động xuất khẩu hàng hóa tăng 7,7% so với tháng trước, ước đạt 32,37 tỷ USD, là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong 1 năm trở lại đây, và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ 4 liên tiếp. Điểm sáng trong tháng 8 là tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (tăng 8,7%), cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khi tăng 7,3% và cao hơn so với mức tăng xuất khẩu chung cả nước (7,7%).

Lý giải xu hướng phục hồi xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết quan trọng nhất là nhu cầu của các thị trường nhập khẩu đã tăng trở lại. Trong đó, đáng chú ý là thị trường xuất khẩu chủ lực Mỹ đã ghi nhận tỷ lệ tồn kho giảm mạnh, dự đoán đến cuối năm 2023 tiệm cận về mức 0. Đây được xem là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này.

Với nhiều ngành hàng của Việt Nam, Mỹ luôn là thị trường quan trọng. Như với thủy sản, Mỹ được xác định là thị trường nhập khẩu số 1. Theo bà Lệ Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt 2,15 tỷ USD năm 2022, tăng 80% so với 10 năm trước- thời điểm Việt Nam - Mỹ xác lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2013.

Và lần này, sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden và đoàn đại biểu cấp cao Mỹ, cùng với Tuyên bố chung về việc nâng tầm quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện, thương mại thủy sản của Việt Nam với Mỹ được kỳ vọng có bước đột phá mạnh và bền vững hơn.

DN bắt đầu tính chuyện đường xa

Ông Nguyễn Chí Trung cho biết thời gian này Tập đoàn Gia Định - một trong những DN đi đầu trong ngành da giày đi theo hướng sản xuất xanh - đang tích cực làm việc với các đối tác trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng mô hình nhà máy xanh, giảm thải carbon.

“Việc này không chỉ giúp chúng tôi đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của các nhà nhập khẩu, còn để tăng tính cạnh tranh với các đối thủ khác trong đó có Bangladesh - ông Trung cho biết.

Tuy nhiên, khi đầu tư sản xuất xanh, giảm phát thải carbon, Gia Định gặp không ít khó khăn. Một trong số những khó khăn là chính sách hiện nay vẫn chậm và hành lang pháp lý chưa được cụ thể hóa. Thí dụ, việc cấp tín chỉ carbon ai cấp, cấp như thế nào… cần được cụ thể hơn để DN hiểu rõ và thực thi. “Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải vào cuộc tích cực hơn để gỡ khó cho DN” - ông Trung nhấn mạnh.

Thực tế này cũng được chuyên gia Tô Xuân Phúc, nghiên cứu viên Trường Chính sách công Crawford Đại học Quốc gia Australia, chia sẻ tại hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” do báo SGGP tổ chức mới đây. Theo đó, Việt Nam đưa ra sàn giao dịch tín chỉ carbon nhưng việc xác định người mua và người bán trong thị trường này như thế nào, giá cả ra sao vẫn chưa rõ ràng. Đặc biệt, người mua quốc tế tham gia như thế nào cũng cần có quy định chi tiết.

Ông Phúc cho rằng cần hiểu rõ trên thế giới hiện có khoảng 170 loại tín chỉ carbon khác nhau và mức giá cũng khác nhau, phụ thuộc vào loại hình dự án sản sinh ra tín chỉ đó. Vậy tín chỉ carbon của Việt Nam là gì, hiện tại vẫn chưa rõ.

Nói về những khó khăn của DN khi xanh hóa nhà máy, giảm phát thải trong sản xuất, vấn đề thường được nhắc tới chính là vốn. Ông Vũ Đức Giang cho biết cách đây 5 năm ngành dệt may đã chịu nhiều áp lực từ thị trường xuất khẩu, như khí thải, rác thải, môi trường làm việc, các chứng chỉ an toàn cho sản phẩm xanh…

Chính vì thế, dù đã có DN đầu tư hệ thống sản xuất xanh nhưng con số này vẫn còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân, việc đầu tư cho phát triển xanh phải đi đường dài và cần nguồn vốn lớn nhưng tiềm lực tài chính lại có hạn. Đó là chưa kể, ngành dệt may có rất nhiều DN chỉ ở quy mô vừa và nhỏ, khả năng tiếp cận nguồn vốn vì thế khó khăn hơn.

Các tin khác