Doanh nghiệp phải chủ động chuyển đổi "xanh"
Câu chuyện thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, “tính xanh” trong thương mại quốc tế không còn là câu chuyện mới mẻ đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phong Phú quốc tế - chuyên ngành dệt may xuất khẩu, để có đơn hàng từ EU và Mỹ, hơn 10 năm trước doanh nghiệp đã phải chủ động thay đổi dây chuyền công nghệ robot và thực hiện kiểm soát các yêu cầu kỹ thuật đối với các đơn hàng cho thị trường này.
Hàng loạt quy trình được thay đổi, từ việc quản lý chặt chẽ tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải, xây dựng kế hoạch giảm tiêu hao năng lượng, hóa chất từng tháng đến thay thế dần các thiết bị cũ, tạo môi trường làm việc cho người lao động tốt hơn. Điều này không chỉ giúp dệt may Phong Phú đáp ứng tiêu chuẩn, nâng cao uy tín với đối tác, mà sản phẩm còn tăng tính cạnh tranh, có nhiều đơn hàng hơn, đặc biệt là những nhãn hàng cao cấp.
Chính vì vậy mà dù thị trường hiện đang khó khăn nhưng doanh nghiệp này vẫn giữ được mức tăng trưởng từ 15 đến 20%, duy trì ổn định hơn 30 nhà máy với hơn 17.000 công nhân.
Bà Nguyễn Thị Liên cho biết: "Nếu như doanh nghiệp không chủ động "chuyển mình" để phù hợp với nhu cầu của thời đại thì sẽ không có đơn hàng. Hiện nay tình hình nhiều nơi thường xuyên có cuộc hội thảo của các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bàn về tình trạng các doanh nghiệp bị cắt giảm lao động... Tuy nhiên. đến thời điểm này thì chúng tôi vẫn tự hào đã nỗ lực duy trì và tuyển lao động chứ không có cắt giảm".
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam thời gian qua có kết quả khá tốt cũng từ nhận thức và thực hiện sản xuất xanh, phát triển xanh.
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xu hướng sử dụng thủy sản của người tiêu dùng thế giới không chỉ là có lợi cho sức khỏe mà còn yêu cầu doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh với thủy sản nuôi trồng có kiểm soát, giảm khai thác để phát triển bền vững. Ngành thủy sản của Việt Nam, đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, áp lực từ hàng rào kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu.
Ông Trương Đình Hòe cho rằng, nhiều áp lực nhưng việc chuyển đổi xanh trong xuất khẩu là vấn đề sinh tồn của doanh nghiệp.
"Vấn đề của kinh tế xanh và phát triển xuất khẩu xanh không chỉ từ áp lực của thị trường mà chúng tôi nghĩ áp lực từ phía sự quan tâm của chủ các doanh nghiệp đối với sự phát triển lâu dài và bền vững của doanh nghiệp, đây là cái yếu tố quan trọng. Do đó, chúng tôi tập trung giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức, tiếp cận thêm kiến thức cũng như các chủ trương liên quan đến vấn đề phát triển xanh trong cái thời gian sắp tới" - ông Hòe nhấn mạnh.
Xanh hóa hoạt động xuất khẩu
Tiêu chuẩn xanh hiện là tiêu chuẩn bắt buộc của nhiều thị trường lớn trên thế giới, trong đó có EU.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương thông tin, việc áp dụng đạo luật Báo cáo bền vững sẽ tác động tới 50.000 doanh nghiệp châu Âu về trách nhiệm giải trình.
Điều này đồng nghĩa với việc EU sẽ gia tăng việc áp dụng 323 các loại chứng chỉ cùng hàng trăm tiêu chuẩn, quy chuẩn khác với hàng nhập khẩu. Để các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể nhanh chóng đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh này, Bộ Công Thương đang tập trung thay đổi tư duy cho doanh nghiệp, nâng cao nhận thức chuỗi cung ứng xanh, đặc biệt là có chiến lược hướng tới mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành "công xưởng xanh" của thế giới.
Ông Vũ Bá Phú cho biết: "Trong thời gian tới đây sẽ có các chương trình hợp tác quốc tế để xây dựng ra ngân hàng chuyên gia, để hỗ trợ doanh nghiệp có thể lựa chọn ra những loại chứng chỉ hay tiêu chuẩn nào để áp dụng phù hợp nhất đối với thị trường, mục tiêu của từng sản phẩm. Qua đó tiết kiệm tối đa các chi phí tuân thủ và có thể hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp của mình".
Việt Nam đang thay đổi mô hình tăng trưởng với phương thức sản xuất dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sang mô hình tiêu dùng xanh, sống xanh và phát triển bền vững. Việc đầu tư cho quá trình chuyển đổi đang là thách thức phải vượt qua với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Chuyển đổi sang sản xuất xanh đòi hỏi vốn đầu tư lớn và công nghệ cao, chi phí tiêu dùng xanh ban đầu cũng sẽ cao nhưng đều mang lại lợi ích bền vững cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.