2020 - Nợ xấu sẽ tăng nhanh

(ĐTTCO)-Báo cáo tài chính quý II của các NHTM cho thấy tỷ lệ nợ xấu vẫn nằm trong ngưỡng an toàn theo quy định của NHNN. Tuy nhiên, con số tuyệt đối về nợ xấu đã có xu hướng tăng, kèm theo đó nhiều dự báo không mấy sáng sủa về nợ xấu trong 2 quý tới, khi dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường. ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH, xung quanh vấn đề này.
2020 - Nợ xấu sẽ tăng nhanh
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, tỷ lệ nợ xấu tại các NH không tăng mạnh, song về con số tuyệt đối, nợ xấu tại một số NH đã tăng thêm 10-30% trong nửa đầu năm. Ông nhận định gì về điều này?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Đến cuối quý II, các NH vẫn giữ được con số về tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ ở mức thấp, nhưng số tuyệt đối về nợ xấu có tăng. Bởi về định lượng, khi dư nợ tăng từ 100 đồng lên 110 đồng, trong đó nợ xấu tăng từ 1 đồng lên 5 đồng.
Như vậy, lấy nợ xấu chia cho mẫu số là tổng dư nợ vẫn ra tỷ lệ nợ xấu thấp, nhưng thực tế con số tuyệt đối có thể tăng lên gấp 5 lần. Còn về định tính, theo Thông tư 01 của NHNN, các NH được phép khoanh nợ, không chuyển nhóm nợ.
Như trong những khoản nợ bình thường hiện tại có thể tiềm ẩn nhiều nợ xấu các NH được phép khoanh lại, không chuyển nhóm nợ xấu. Chính vì vậy, tôi cho rằng con số nợ xấu quý II chưa thực chất, chưa thể hiện chính xác.
- Ông dự báo như thế nào về tình hình nợ xấu năm nay?
- Dịch bệnh xuất hiện từ đầu năm, nhưng Việt Nam chỉ bị ảnh hưởng tháng 3 và tháng 4, đến tháng 5 đã mở cửa lại. Khi mở cửa lại, chúng ta phấn khởi, nhưng thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp (DN) chịu tác động mạnh, không chỉ trong tháng 3 tháng 4 mà kéo dài cho đến bây giờ. Đặc biệt các DN xuất khẩu, họ đã mất các đơn đặt hàng từ nước ngoài.
Chưa hết, chúng ta đang đối phó với đợt dịch bệnh thứ 2. Trong tình thế như vậy, rất nhiều DN có thể bị ảnh hưởng, sẽ càng suy yếu hơn so với 2 quý đầu năm. Chính vì thế, nợ xấu của các DN có khả năng sẽ tăng rất mạnh trong năm nay.
Tuy nhiên tại thời điểm này không thể dự báo cụ thể về tình hình nợ xấu, vì hiện nay có nhiều khoản nợ được cơ cấu lại, khoanh nợ, không chuyển nhóm nợ. Vì vậy, chỉ các NH biết được tình trạng thật sự, còn bên ngoài, ngay cả cơ quan quản lý cũng không biết thực chất con số nợ xấu dự kiến là bao nhiêu.
- Ông có đề xuất giải pháp nào để các NH kiểm soát nợ xấu hiệu quả khi ngành NH đang thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 của NHNN, vì giải pháp này tuy tốt nhưng vẫn có thể đẩy rủi ro về phía NH?
 Do các NH được phép khoanh lại, không chuyển nhóm nợ xấu, nên con số nợ xấu chưa thực chất, chưa thể hiện chính xác.
- Có lẽ phải trở lại vấn đề căn bản là các NH nên có “sổ phụ” bên cạnh "sổ cái", để ghi nhận những vấn đề liên quan đến nợ xấu trong nguyên trạng của nó, để tất cả bộ phận theo dõi nợ và thu hồi nợ nhìn vào sổ chính và sổ phụ để hiểu được tình trạng nợ xấu.
Còn nếu NH thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, không chuyển nhóm nợ và đẩy hết lên bảng cân đối kế toán, sẽ xóa rất nhiều dấu vết của nợ xấu. Như vậy, thông tin thể hiện trên bảng cân đối kế toán những tài sản rất tốt, nhưng trên thực tế đó là những tài sản xấu và cũng có thể tạo ra tình trạng một phần tài sản ảo, dẫn đến lợi nhuận ảo. 
Tôi nghĩ các NH đã rút được rất nhiều kinh nghiệm từ bài học nợ xấu trong quá khứ, nên họ cũng sẽ cẩn trọng hơn trong việc cho vay để không rơi vào vòng xoáy nợ xấu.
Nhưng ngay trong lúc này, các NH sử dụng chính sách của NHNN là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, không chuyển nhóm nợ càng phải làm hết sức nghiêm túc và cẩn thận, đặc biệt tránh vấn đề lạm dụng chính sách để che giấu nợ xấu.
Theo tôi, các NH nên có sổ phụ để có theo dõi chính xác tình trạng nợ xấu, thay vì đưa ra bức tranh về chất lượng tài sản quá lạc quan.
- Gần đây, các NH ồ ạt thanh lý tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu, tài sản rao bán khá đa dạng bất động sản, máy móc, thiết bị sản xuất, các loại ô tô từ bình dân đến xe sang… Ông nhìn nhận gì về động thái này?
- Việc NH đẩy mạnh thanh lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ là điều tốt. Thay vì họ giữ nợ, găm giữ tài sản bảo đảm, các NH bán tài sản để thu lại tiền. Nếu không họ sẽ hạch toán vào khoản chi phí bất thường.
Điều này sẽ làm cho sổ sách của các NH “sạch sẽ” hơn, tức những khoản nợ xấu được thanh lý qua việc thu hồi tài sản bảo đảm và làm sổ sách NH minh bạch hơn. Tuy nhiên, động thái đó cũng chứng tỏ các NH rất lo lắng về vấn đề nợ xấu. Vì vậy, những khoản nào có thể thanh lý được, các NH sẽ thanh lý, vì dự báo những tháng tới có thể nợ xấu sẽ tăng lên nữa.
Đồng thời, tại một số thị trường như bất động sản, ô tô… giá cả sẽ trở nên bất lợi hơn nếu dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế và các thành phần tham gia vào thị trường. Vì thế, các NH cũng cố gắng giải quyết tài sản để thu hồi lại nợ sớm chừng nào hay chừng đó.
- Có hiện tượng đáng chú ý là tăng trưởng tín dụng thấp nhưng nhiều NH vẫn xin nới hạn mức (room) tín dụng, thưa ông?
- Đây cũng là điều rất đáng quan tâm. Theo tôi, thực chất vẫn có một số NH muốn hạn mức tăng trưởng tín dụng cao vì họ đã sử dụng hết room tín dụng và cần được NHNN nới room.
Tuy nhiên, tôi cũng không loại trừ trường hợp các NH dùng việc nới room tín dụng như một chiêu quảng bá truyền thông, để chứng tỏ mình vẫn còn khả năng tăng trưởng rất mạnh, cần được nới hạn mức tín dụng.
Trở lại vấn đề các NH được nới room, tôi cho rằng nếu không cẩn thận có thể các NH này sẽ đẩy tín dụng vào những lĩnh vực sinh lời cao nhưng rủi ro cũng cao, như bất động sản, chứng khoán… Chính vì vậy, NHNN nới room cho NH nào, cần buộc các NH đó có báo cáo chính xác về việc sử dụng dòng vốn này.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác