Dự báo thị trường vẫn ổn định
Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ vừa qua, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã chỉ rõ, trong tháng 8-2019, thị trường khá sôi động với các hoạt động chuẩn bị năm học mới và dịp Trung thu. Các mặt hàng văn phòng phẩm giáo dục tiêu thụ tốt, nguồn hàng dồi dào, giá không có biến động lớn.
Một số mặt hàng nông sản do tác động của thời tiết, dịch bệnh nên nguồn cung giảm, giá tăng. Đặc biệt, với mặt hàng thịt heo, tại các tỉnh phía Bắc, nguồn cung giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu tăng do thương lái thu gom xuất khẩu sang Trung Quốc (giá thịt heo đang ở mức cao) nên giá heo hơi tại các tỉnh phía Bắc tăng khá mạnh (khoảng 10%-20%).
Doanh nghiệp sản xuất chế biến thịt heo chủ động chuẩn bị tốt nguồn hàng cung ứng cho cuối năm.
Các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng chịu tác động của thị trường thế giới nên tương đối ổn định; nhóm xăng dầu giá có xu hướng giảm trong tháng 8. Thị trường các mặt hàng thiết yếu khác không có biến động lớn.
Cũng theo dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước, thời gian tới, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng, nhất là vào dịp cuối năm và các yếu tố về thời tiết mùa mưa bão, dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, với sự điều hành sát sao và phối hợp chặt chẽ của Chính phủ cũng như các bộ ngành, địa phương thì nguồn cung hàng hóa sẽ vẫn được duy trì tốt, giúp bình ổn thị trường.
Chẳng hạn, với các mặt hàng nông sản như rau củ quả, gia vị thiết yếu… đều được nông dân ở các địa phương chủ động gieo trồng theo dự báo của từng địa phương đưa ra hoặc theo nhu cầu thị trường. Còn với mặt hàng thịt heo, dù nguồn cung hạn chế, nhiều hộ chưa tái đàn lại nhưng điều đáng mừng là thói quen tiêu dùng của người dân đã dần có sự thay đổi. Theo đó, thay vì chỉ thích thịt nóng thì một bộ phận người tiêu dùng hiện nay đã chấp nhận sản phẩm thịt mát đang được bán tại một số siêu thị.
Trong khi đó, chia sẻ của nhiều DN sản xuất cung ứng thịt cho biết, các loại thịt mát được sản xuất ở nhà máy chứ không có quy mô hộ gia đình nên nguy cơ dịch là không có. Như vậy có thể thấy rằng, việc thay đổi nhu cầu này cũng đồng thời giảm áp lực lên nguồn cung.
Tích cực chuẩn bị
Tại TPHCM, Sở Công thương đã thể hiện rất rõ nét trong công tác điều hành, định hướng DN chuẩn bị hàng hóa. Đối với Chương trình bình ổn thị trường năm 2019 - Tết Canh Tý năm 2020, thành phố thực hiện trong 12 tháng, từ ngày 1-4-2019 đến 31-3-2020.
Theo Sở Công thương, đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (gồm 10 nhóm hàng như lương thực, thực phẩm, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản…), doanh thu mà Chương trình bình ổn thị trường năm 2019 - Tết Canh Tý 2020 mang lại ước đạt 34.300 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2018.
Hiện tại đã có 10.983 điểm bán hàng bình ổn, 1.500 chuyến bán hàng lưu động, nguồn vốn hỗ trợ cho chương trình 20.100 tỷ đồng. Một điểm đáng chú ý là năm nay mặt hàng thịt heo dù bị tác động mạnh bởi dịch tả heo châu Phi nhưng thành phố vẫn đảm bảo nguồn thịt heo bình ổn thị trường 4.091 tấn/tháng (chiếm 21% thị phần).
Ở góc độ DN, theo thông lệ ở thời điểm này, các DN, cơ sở sản xuất, nhà phân phối lớn đã bắt đầu lên kế hoạch để chuẩn bị tốt nguồn cung hàng hóa trong các tháng cuối năm nhằm đảm bảo đủ cung ứng cho người tiêu dùng, không xảy ra khan hàng sốt giá. Đặc biệt, các DN đã đầu tư nhiều vào khâu nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đa dạng hóa mặt hàng, sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu sản xuất, cung ứng đến khâu phân phối.
Trong đó, 100% sản phẩm trứng, thịt gia cầm, thịt heo, thịt bò, rau củ quả đều được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Ba Huân đã lên phương án chuẩn bị cụ thể từ nguồn cung nguyên liệu, nâng công suất sản xuất, cho tới việc lưu thông phân phối.
Ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân, cho biết DN này đã đầu tư cả ngàn tỷ đồng vào chuỗi sản xuất thực phẩm sạch khép kín từ trang trại nuôi gà lấy trứng và chăn nuôi gia cầm công nghệ cao, xử lý trứng và chế biến thực phẩm hiện đại, nhằm đem đến cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn. Trong khâu phân phối, ngoài hệ thống siêu thị như Co.opmart, Co.op Food, Big C… công ty sẽ đẩy mạnh ở chợ truyền thống và kênh nhà hàng khách sạn, trường học với giá cả ổn định.
Ngoài các DN sản xuất, Sở Công thương TPHCM cho biết, đơn vị bán lẻ lớn của thành phố là Saigon Co.op cũng tham gia rất tích cực hoạt động bình ổn thị trường với 10 nhóm hàng. Nhà bán lẻ này còn tổ chức thực hiện ứng vốn cho các DN, cơ sở sản xuất vệ tinh để phát triển sản xuất, cung ứng hàng hóa và chủ động phát triển các sản phẩm đạt chuẩn organic, VietGAP, góp phần định hướng tiêu dùng cho người dân, loại bỏ các mặt hàng không đảm bảo chất lượng và nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng khi bán cho người tiêu dùng.
Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đánh giá, những năm gần đây tình hình biến động giá cả tương đối ổn định, kể cả dịp lễ tết. Tuy nhiên, để chủ động nguồn hàng và giá cả hàng hóa dịp cuối năm, từ tháng 9, 10, các kênh bán lẻ đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa, đồng thời thương thảo với các nhà sản xuất để có được giá cả tốt trong dịp mua sắm cuối năm. |