Các giải pháp trọng tâm bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

(ĐTTCO)-Kế hoạch đầu tư công có chất lượng phải đáp ứng yêu cầu, nguyên tắc lập kế hoạch theo quy định của pháp luật về đầu tư công, bám sát và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ...
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Liên quan đến nội dung gửi phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, tại văn bản số 982/TTg-KTTH, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Giải ngân vốn đầu tư công được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt.

Mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng nhưng cũng đã phản ánh tính đặc thù của vốn đầu tư, đó là công tác thanh toán chỉ được đẩy mạnh thực hiện sau khi đã tích lũy được khối lượng thi công hoàn thành.

Kết thúc 8 tháng, tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng bước sang tháng 9, chỉ trong vòng 1 tháng, tiến độ giải ngân tháng 9 đạt 40.920,84 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với mức giải ngân bình quân 1 tháng trong 8 tháng đầu năm là 26.528,41 tỷ đồng.

Bên cạnh các giải pháp hiện có, để bảo đảm được tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án, đặc biệt là các dự án thuộc đối tượng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, cần phải nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công.

Kế hoạch đầu tư công có chất lượng phải đáp ứng yêu cầu, nguyên tắc lập kế hoạch theo quy định của pháp luật về đầu tư công, bám sát và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm mục tiêu, lợi ích của Chương trình mang lại. Các dự án dự kiến triển khai trong kế hoạch có khả năng hấp thụ hết số vốn được giao.

Do đó, cần tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm sau: Thứ nhất, tăng cường, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; coi việc xây dựng kế hoạch là điều kiện tiên quyết để bảo đảm tiến độ, giải ngân các chương trình dự án theo đúng kế hoạch đề ra, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải bám sát các mục tiêu, căn cứ, nguyên tắc, yêu cầu, trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm quy định tại Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội. Việc phân bổ vốn đầu tư công phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch đã được phê duyệt; khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác; bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng.

Thứ ba, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án; lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án, đặc biệt là các dự án khởi công mới, kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, phạm vi, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, định hướng, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư, kết quả đầu ra của từng dự án.

Thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lập kế hoạch từ khâu lập, thẩm định, phân bổ, thông báo kế hoạch cho từng chương trình, dự án, từng chủ đầu tư thông qua việc sử dụng Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư, phù hợp với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới Chính phủ số.

Thứ năm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công.

Thứ sáu, thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ thực hiện công tác lập kế hoạch để nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ này về vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác lập kế hoạch cũng như cập nhật các chính sách, chế độ, phương pháp lập kế hoạch mới; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp lập kế hoạch, các cơ quan liên quan và các đơn vị sử dụng ngân sách trong cùng một bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bảo đảm quá trình lập kế hoạch được thông suốt.

Các tin khác