CEO Andy Jassy - Người cầm cương mới Amazon

(ĐTTCO) - Andy Jassy là người đã đặt nền móng biến Amazon từ website thương mại điện tử trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất thế giới. Ông vừa chính thức đánh dấu chặng đường mới đầy thách thức của mình với cương vị giám đốc điều hành “gã khổng lồ” Amazon ngày 5-7, nhân ngày kỷ niệm 27 năm thành lập. Andy Jassy được kỳ vọng đưa Amazon tiếp tục vươn cao hơn sau thời đại của Jeff Bezos.

CEO Andy Jassy - Người cầm cương mới Amazon
Dựng xây doanh nghiệp trụ cột Amazon
Andy Jassy tốt nghiệp loại xuất sắc tại Đại học Harvard danh tiếng vào năm 1990 và tốt nghiệp MBA tại Trường kinh doanh Harvard vào năm 1997. Sau khi hoàn thành chương trình học của mình, Andy chính thức gia nhập Amazon với nhiều vai trò từ quản lý dự án đến cố vấn kỹ thuật và dần trở thành cánh tay đắc lực của người sáng lập, CEO và chủ tịch của công ty công nghệ đa quốc gia Amazon, Jeff Bezos trên con đường kiến tạo đế chế công nghệ ngàn tỷ đô.  Ngoài ra, ông còn được biết đến với vai trò là người điều hành Amazon Web Services (AWS) kể từ năm 2006. AWS do Andy khởi xướng cung cấp các nền tảng điện toán đám mây, giao diện lập trình ứng dụng (API) theo yêu cầu cho các cá nhân, công ty và chính phủ. Dịch vụ này hiện đang cạnh tranh thị phần lớn nhất thế giới với Azure của Microsoft Corp và Google Cloud của Alphabet Inc.
Khởi đầu từ con số 0 với một lĩnh vực được xem là không liên quan đến lĩnh vực cốt lõi của Amazon lúc bấy giờ là thương mại điện tử, Andy Jassy vấp phải những hoài nghi về quyết định của mình cũng như con đường phát triển AWS sau này. Nhưng, đáp lại mọi nghi vấn, Andy đã điều hành và dẫn dắt AWS trở thành một phần “xương sống” của internet ngày nay. Đó sẽ trở thành thảm họa với Netflix, Spotify hay thậm chí là CIA (Cục tình báo trung ương Mỹ) nếu AWS đột nhiên “sập”.
Đến năm 2020, dưới sự dẫn dắt của Andy Jassy, AWS có hàng triệu người sử dụng, chiếm 63% tổng lợi nhuận của công ty, giành được 1/3 thị phần của ngành, vượt qua Microsoft và Oracle - hai đối thủ lâu đời trong lĩnh vực này cộng lại. Hơn thế nữa, việc AWS thành công khi lôi kéo được một lượng lớn khách hàng, đặc biệt là những khách hàng thân thiết của Oracle Cloud, xâm phạm nghiêm trọng vào “thành trì” của Oracle khiến Oracle xem AWS là đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong thị trường cơ sở dữ liệu. Cho đến thời điểm hiện tại, AWS vẫn đang thúc đẩy lợi nhuận của Amazon và thống trị thị trường điện toán đám mây giống như việc Amazon dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực thương mại điện tử. Việc thiếu kinh nghiệm về nền tảng kỹ thuật cũng không thể cản trở Andy đưa AWS trở thành nhà cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. 
Trên thực tế, nếu không có sự tăng trưởng vượt bậc của AWS, Amazon khó có thể có đủ nguồn lực để đầu tư vào mảng bán lẻ, phần cứng, nhà thông minh, AI và các lĩnh vực khác trong những năm qua. AWS được xem là động cơ chính tạo nên sự đổi mới liên tục của Amazon và Andy chính là người lèo lái giúp vận hành hệ thống đó. 

Những nguyên tắc vàng
Trong suốt 24 năm làm việc, đồng hành và học hỏi kinh nghiệm từ CEO Jeff Bezos, Andy luôn quan sát cách tiếp cận, giải quyết các vấn đề. Ông học cách đưa ra những quyết định nhanh chóng như khi vị tỷ phú này không có ở văn phòng. Trong bất kỳ vấn đề nào, kể cả những vấn đề phức tạp, Andy đều sẽ xem xét chi tiết, mổ xẻ và phân tích chúng. Sau khi đối chiếu tất cả các dữ liệu có sẵn ông mới đưa ra quyết định. Andy được nhận xét là người luôn theo những nguyên tắc cụ thể góp phần làm nên thành công của Amazon. Đầu tiên phải kể đến mục tiêu “Luôn đặt khách hàng ở vị trí trung tâm”. Andy luôn cố gắng hiểu một cách sâu sắc nhất những điều khách hàng cần. Đáp ứng tốt nhất những trải nghiệm và mong muốn của khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ luôn là ưu tiên hàng đầu của mọi nhân viên tại Amazon.
Bên cạnh đó, Andy luôn khuyến khích các nhân viên của mình “Sẵn sàng thử nghiệm dù có thể thất bại”. Ông chia nhân viên của mình thành những nhóm nhỏ quản lý các dự án khác nhau. Trong các cuộc họp nhân viên hàng tuần, Andy và những lãnh đạo cấp cao sẽ sử dụng công cụ họp trực tuyến có tên là “The Wheel” (Bánh xe) để lựa chọn một cách ngẫu nhiên nhân viên sẽ thuyết trình về công việc kinh doanh của họ. Ông và các lãnh đạo sẽ lắng nghe, trực tiếp trao đổi với nhân viên để điều chỉnh những sai sót và sau đó đưa ra những câu hỏi chi tiết cho nhân viên. Điểm đặc biệt là Andy thường xuyên chăm chú lắng nghe, ngay cả khi chưa hài lòng với những gì nhân viên trình bày, ông cũng kiên nhẫn đợi họ trình bày xong mới đưa ra những nhận xét, chỉnh sửa. Điều này hoàn toàn khác biệt với phong cách lãnh đạo có phần “khắc nghiệt” của Jeff Bezos. 
“Không ngừng sáng tạo và tái tạo” cũng là một trong những nguyên tắc vàng giúp duy trì thành công. Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn được thực hiện cho bộ phim tài liệu “Đế chế Amazon” của Frontline, Andy từng nói: “Thực sự khó để xây dựng một doanh nghiệp và duy trì nó trong thời gian dài. Để làm được điều đó, chúng ta phải luôn sáng tạo, tự tái tạo lại chính mình và thực hiện nhiều lần. Nếu đợi đến khi công ty đến bên bờ vực mới bắt đầu tái tạo, thì dù cho có thành công đi nữa, cũng chỉ là bản nháp, là một chiến lược đối phó nhất thời. Thay vào đó, hãy luôn sáng tạo và đổi mới liên tục khi còn trẻ và khỏe mạnh. Chúng tôi luôn tin tưởng vào điều này, bởi chúng tôi biết rằng, tái tạo là cách duy nhất để Amazon luôn dẫn đầu”. 
Trong vai trò người kế nhiệm “ghế nóng” tại Amazon, song song với việc tiếp tục củng cố và phát triển AWS, Andy Jassy bày tỏ quyết tâm vực dậy mảng game của Amazon, vốn được Bezos cho triển khai từ năm 2012. Nhưng đến nay tất cả những gì Amazon Game Studios làm được là 2 game bom xịt và hàng tá dự án bị hủy bỏ tiêu tốn cả tỷ USD. Bên cạnh đó, việc giữ thế độc tôn trên thị trường bán lẻ cũng như sức ảnh hưởng vượt ngưỡng quốc gia cũng khiến Amazon đối mặt với không ít dè chừng từ các đối thủ. Tuy nhiên, với tâm thế luôn sẵn sàng đón nhận thử thách và đổi mới chính mình, thái độ của ông với “sự tái tạo” lần này được nhiều người ủng hộ. Nó cho thấy sự lạc quan, quyết tâm và định hướng của Andy khi trở thành người cầm cương mới của Amazon.  
 Năm 2020, Amazon ghi nhận doanh thu 386,06 tỷ USD nhờ làn sóng mua sắm trực tuyến bùng nổ trong đại dịch Covid-19. Amazon hiện sử dụng nhiều lao động nhất tại Mỹ với 1,3 triệu nhân viên làm việc cho mạng lưới gồm hơn 2.200 nhà thầu đối tác. Năm 2020, mạng lưới của Amazon vận chuyển gần 5,1 tỷ gói hàng cho khách hàng, tương đương với Dịch vụ Bưu chính Mỹ. 

Các tin khác