Chính sách đúng nhưng chưa đủ
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra đến nay, thế giới đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 2. Khoảng cách của các làn sóng này ở mỗi nước có sự khác nhau, nhưng quản lý tốt cũng chỉ cách nhau 99 ngày như ở Việt Nam.
Điều này nói lên những thay đổi trong diễn biến dịch bệnh là điều khó lường. Nó đòi hỏi các nhà hoạch định và thực thi chính sách phải thần tốc để ứng phó. Mỗi nước đều đưa ra các gói chính sách đến từng đối tượng khác nhau với những tên gọi khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ.
Nhìn vào chỉ báo đo lường tâm lý của con người trong thời gian diễn ra dịch bệnh với các làn sóng lây nhiễm, sẽ hiểu thêm lý do của những gói mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ này.
Thực sự tâm lý của con người đã trở nên ổn định hơn. Làn sóng lây nhiễm thứ nhất cho thấy tâm lý người dân lo sợ, hoảng loạn cao độ, tác động đến mọi hoạt động của nền kinh tế, các ngành đều bị ảnh hưởng. Giai đoạn này không gói kích thích nào có thể vượt qua được “nỗi sợ hãi”.
Chính sách hỗ trợ 62.000 tỷ đồng là cần thiết nhưng có lẽ chưa đủ và chi không dễ, nên số giải ngân được không bao nhiêu. Điều này đã gây ra sự suy giảm mạnh trong tăng trưởng kinh tế quý II, thậm chí sang đến quý III.
Trong khi đó, các chính sách sách tiền tệ mới thực hiện được cơ cấu thời hạn trả nợ vay theo kế hoạch của Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Tính đến nay, các khoản nợ được cơ cấu lại sẽ bắt đầu vào thời gian trả nợ, vì thời hạn cơ cấu tối đa 12 tháng kể từ khoản nợ phát sinh từ 23-1-2020.
Đây sẽ là thách thức cho hệ thống ngân hàng trong thời gian tới phải đối mặt với tình trạng nợ xấu. Còn chính sách giảm lãi suất chỉ dừng lại bằng những công cụ bơm tiền trên thị trường mở, có tác động không đáng kể lên lãi suất cho vay.
Các doanh nghiệp đang phải gánh nặng chi phí lãi vay này phát sinh trong khoảng thời gian cơ cấu lại thời gian trả nợ. Áp lực chi trả nợ gốc và tiền lãi sẽ càng gia tăng khi đến hạn trả của Thông tư 01/2020.
Thành phần đóng góp trong tăng trưởng kinh tế các nước.
Không thể phòng thủ, né tránh
Thế giới và Việt Nam bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 2, tâm lý của người dân đã bình tĩnh hơn, một số hoạt động kinh tế vẫn diễn ra bình thường hơn. Điều này không có nghĩa sự hồi phục trở lại của nền kinh tế, mà chỉ là diễn tiến tâm lý sợ hãi của người dân. Trong làn sóng lây nhiễm thứ 2, người dân chỉ giảm đi lại và ảnh hưởng vào những ngành như du lịch, vui chơi giải trí, vận tải…
Tâm lý này không mấy bị tác động đối với các hoạt động đi lại, làm việc, cuộc sống của người dân. Báo cáo Google Covid-19 Community Mobility Reports đã cho thấy hành vi tâm lý này của người dân.
Nghĩa là, đối mặt làn sóng lây nhiễm thứ 2, thậm chí có thể là thứ 3 khi chưa có vaccine hữu hiệu phòng ngừa, xu hướng tâm lý cũng sẽ bớt hoảng hốt và thích nghi với bối cảnh dịch bệnh hơn.
Do vậy, nhìn vào xu hướng này để hình thành các chính sách kích thích tiêu dùng, phục hồi sản xuất, thay vì phòng thủ và né tránh trách nhiệm của từng bộ phận của nền kinh tế.
Nhìn vào số liệu tăng trưởng kinh tế đóng góp từ các ngành trong nền kinh tế, cho thấy mức độ sụt giảm trong giá trị đóng góp của các ngành khác nhau (màu xanh là mức đóng góp lớn trong giá trị, màu đỏ mức đóng góp thấp hơn). Có nhiều ngành đã có mức tăng trưởng âm lớn.
Chẳng hạn, đóng góp trong tăng trưởng GDP quý II-2019 ngành công nghiệp 9,24%, nhưng đến quý II-2020 chỉ còn 0,22%. Từ mức đóng góp lớn về giá trị trong GDP quý II năm ngoái, năm nay chỉ còn đóng góp thấp về giá trị, cho thấy sự tổn thất lớn trong sự sụt giảm giá trị của ngành công nghiệp.
Hoặc ngành tài chính ngân hàng tăng trưởng ở mức 8,04% vào quý II-2019, có đóng góp giá trị trong GDP ở mức thấp (màu trắng). Đến quý II-2020 mức tăng trưởng giảm còn 0,27% và giá trị đóng góp trong GDP tụt xuống rất thấp (màu đỏ).
Ngành công nghiệp điện tử có mức tăng trưởng 10,76% và có mức đóng góp giá trị lớn (màu xanh) vào quý II-2019, đến quý II-2020 tăng trưởng âm 0,04% và đóng góp trong giá trị GDP đã giảm nhiều (chuyển sang màu đỏ).
Như vậy, tính cấp thiết phải kích thích kinh tế có tính tập trung vào các thành phần nếu xét theo đóng góp của các ngành kinh tế vào GDP. Cả yếu tố hành vi tâm lý đến tác động của các thành phần kinh tế đòi hỏi các chính sách của Chính phủ phải nhanh, kịp thời; phải dễ dãi trong hỗ trợ và phải đủ để kích thích nhằm duy trì và phục hồi nền kinh tế. Nếu chậm trễ sẽ đưa đến những hệ lụy lớn và gia tăng chi phí cho nền kinh tế sau này.