Mô hình đi kèm thể chế
Dân số ở thành thị và tỷ lệ dân thành thị ở nước ta có xu hướng tăng nhanh trong 40 năm qua. Theo số liệu mới nhất từ Liên hiệp quốc, dân số hiện tại của Việt Nam là hơn 97.470.700 người. Dân số thành thị trên 36.727.200 người, chiếm 37,7% dân số cả nước. Trước đó, tỷ lệ này là 30,6% (năm 2010), 24,5% (năm 2000), 20,3% (năm 1990)... Liên hiệp quốc dự báo xu hướng đô thị hóa ở Việt Nam sẽ còn tăng nhanh hơn trong 30 năm tiếp theo, với tỷ lệ dân số sống ở thành thị vượt 50%. Cụ thể, năm 2030 là 45,4%; năm 2040 là 52,8%; năm 2050 sẽ đạt mức 60% (xem thêm ở biểu đồ).
Xu hướng đô thị hóa ở Việt Nam trong 30 năm tiếp theo
Thực tế, các thành phố có tỷ lệ dân thành thị đông ở Việt Nam hiện nay chưa có mô hình chính quyền đô thị đúng nghĩa và cũng chưa có hệ thống luật pháp riêng cho mô hình này. Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… đang cố gắng vận dụng các quy định như các địa phương khác và cơ chế đặc thù (mà thực ra là cơ chế xin thêm) để quản trị địa phương. Khi các vấn đề của đô thị ngày càng thách thức và trở nên quá tải (như kẹt xe, ngập nước, hạ tầng y tế, giáo dục, giao thông) thì đề xuất về mô hình chính quyền đô thị hay có cơ chế phân cấp, phân quyền, điều tiết ngân sách… dưới dạng cơ chế đặc thù.
Giải quyết hồ sơ cho người dân tại quận Thủ Đức, TPHCM
Hiện nay, các địa phương đã có đề xuất khác nhau về mô hình chính quyền đô thị. Hà Nội đề xuất thí điểm không tổ chức HĐND ở phường. Đà Nẵng và TPHCM đề xuất thí điểm không tổ chức HĐND ở cấp quận, cấp phường. Thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng đã được Trung ương chấp thuận thí điểm. Có thể, TPHCM sẽ được Quốc hội chấp thuận thí điểm cuối năm 2020.
Nhưng điều quan trọng nữa là, khi mô hình chính quyền đô thị được định hình thì phải thiết lập đầy đủ thể chế chính quyền, để có cơ sở pháp lý vận hành hiệu quả. Lâu nay, các vấn đề quan trọng của chính quyền đô thị như phân cấp, phân quyền (để ra các quyết định về đầu tư, sử dụng tài sản công, thu thuế, phí), tỷ lệ điều tiết nguồn thu giữa địa phương và Trung ương… được chấp thuận chừng mực theo các cơ chế đặc thù mà địa phương đề xuất riêng. Đây chưa phải là đầy đủ trong tổng thể của mô hình chính quyền đô thị. Điều này cho thấy, nhu cầu thể chế hóa về mô hình cùng pháp lý của chính quyền đô thị mà các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cần đáp ứng.
Mở ra cơ hội phát triển
Các thành phố lớn ở Việt Nam hiện là các trung tâm kinh tế, tài chính, nhân lực chất lượng cao, công nghiệp, khoa học công nghệ… Các thành phố này đóng góp lớn trong tổng sản phẩm quốc nội, ngân sách, tạo việc làm, đổi mới sáng tạo để phát triển đất nước. Chỉ tính TPHCM, Hà Nội và cộng thêm một thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh trong số các tỉnh, thành như Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Quảng Ninh, Đà Nẵng, thì tỷ trọng tổng sản phẩm quốc nội và ngân sách đạt ngưỡng 50% cả nước.
Mô hình chính quyền đô thị là chìa khóa vàng mở ra cơ hội lớn đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ. Ảnh: Một góc cảng Cát Lái, quận 2, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Do đó, sự thay đổi mô hình quản trị công theo hướng chính quyền đô thị sẽ là chìa khóa vàng mở ra cơ hội rộng lớn đầu tư hạ tầng đô thị, dịch vụ, tài chính theo hướng đô thị thông minh. Từ đó sẽ thu hút đầu tư, công nghệ mới xứng tầm, tạo lực hút về vốn, khoa học, tài chính và chất xám để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Mỗi quốc gia ở từng giai đoạn có những khó khăn, thách thức cũng như vận hội, thời cơ phát triển khác nhau. Không có công thức hay giải pháp chung nào để xử lý bài toán này. Điều này lý giải tại sao có sự chênh lệnh về trình độ phát triển của các nước. Việt Nam hiện nay có những thành tựu đáng tự hào từ sự nỗ lực không mệt mỏi suốt gần nửa thế kỷ qua. Nhưng so sánh với các nước phát triển trong khu vực và thế giới thì chúng ta cần nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để không bị tụt hậu xa hơn.
Chiến lược phát triển quốc gia đến năm 2045 (nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước) là trở thành nước phát triển, đòi hỏi phải đón bắt những cơ hội và vượt qua nhiều thách thức. Trong số các thách thức và cơ hội có thể nhìn thấy, đó là xu hướng đô thị hóa nhanh, đòi hỏi phải có mô hình quản trị công phù hợp - chính quyền đô thị. Khi có mô hình và cơ chế quản trị của chính quyền đô thị hiệu quả sẽ thúc đẩy sự phát triển các đô thị hiện đại. Đó là chìa khóa góp phần cất cánh kinh tế.
Hoàn thiện mô hình, thể chế phù hợp |