Phóng viên: Hiện nhiều người chưa biết nhiều về VIDA. Vậy xin ông giới thiệu sơ nét về mô hình hoạt động và ý nghĩa chính của VIDA trong nền nông nghiệp Việt Nam?
Ông Vũ Mạnh Hùng: - VIDA được thành lập vào năm 2019, với sứ mệnh đẩy mạnh việc hoàn thiện hạ tầng công nghệ cho nông nghiệp, kết nối quốc tế và mở rộng thị trường; tìm kiếm, chọn lọc công nghệ phù hợp cho từng mô hình canh tác, chế biến tại Việt Nam; thu hút đầu tư cho chế biến sâu, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp số.
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Đại hội thành lập VIDA |
VIDA hiện quy tụ được những doanh nhân có tâm huyết, trách nhiệm để hiện thực hóa mục tiêu "giàu từ nông nghiệp", đưa nông nghiệp Việt Nam về đúng vị thế. Đồng thời VIDA đã thực hiện hỗ trợ phát triển những dự án quy mô lớn nhằm hiện đại hóa nền nông nghiệp, giới thiệu các trung tâm nông sản chất lượng cao trên thế giới, sàn giao dịch nông sản online quốc tế, triển khai hệ thống đào tạo nghề nông nghiệp số cho Việt Nam và khu vực, các trung tâm chế biến và bảo quản nông sản tại các vùng.
Đặc biệt, VIDA đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức các diễn đàn đầu tư phát triển nông nghiệp số ở nhiều địa phương. Điển hình là việc phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam năm 2021 với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế đến từ Nhật Bản, Hà Lan, Israel, WB, IFC... Tiếp đến là Diễn đàn trao đổi công nghệ và nông sản Việt Nam - Nhật Bản và Diễn đàn kết nối Tây Nguyên với chủ đề “Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản Tây Nguyên”.
Có vẻ như ông rất tâm đắc với hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp. Vậy theo ông chuyển đổi số có tầm quan trọng như thế nào với ngành nông nghiệp hiện nay?
- Thông qua tổ chức các diễn đàn, các cuộc xúc tiến, VIDA đã góp phần tăng cường sự đối thoại giữa các cơ quan chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, các địa phương, tổ chức, hiệp hội, chuyên gia và doanh nghiệp trong nước và quốc tế về những vấn đề then chốt trong chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng số hóa.
Trong bối cảnh thế giới đang có những biến chuyển nhanh, khó lường, đặc biệt là dưới tác động của đại dịch toàn cầu, các diễn đàn như thế này sẽ là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp để giải quyết những nút thắt trong việc bảo đảm phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan (thứ 2 từ phải sang) tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Lan |
Quay lại với ngành nông nghiệp Việt Nam. Đây vẫn là ngành kinh tế có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế dù tỷ trọng nông nghiệp trong GDP ngày càng giảm. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và nhất là cuộc cách mạng 4.0, thì chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, là “chìa khóa” cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
Được biết, ngoài cương vị Phó Chủ tịch VIDA, ông hiện là Chủ tịch HĐQT một trong những doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số. Ông có thể chia sẻ bí quyết về hoạt động này tại doanh nghiệp?
- Tập đoàn Hùng Nhơn là minh chứng sinh động của phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sự hỗ trợ từ VIDA. Với sự hỗ trợ từ VIDA, Hùng Nhơn đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế Control Union trao giấy chứng nhận Global GAP cho trang trại gà thịt. Đây là trang trại gà đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng chỉ danh giá này.
Để nhận được chứng chỉ này, Hùng Nhơn đã phải đáp ứng 349 tiêu chuẩn GlobalGAP, bao gồm 178 tiêu chuẩn bắt buộc phải tuân thủ 100%, 124 tiêu chí có thể tuân thủ đến mức 95% cũng được chấp nhận và có 47 kiến nghị, khuyến cáo nên thực hiện. Theo đó, các trang trại thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt bắt đầu từ khâu chuẩn bị như chuồng nuôi, thức ăn cho đến khâu xuất bán.
Bên cạnh chuyển đổi số, Hùng Nhơn cũng khá thành công với mô hình liên doanh với tập đoàn nông nghiệp Hà Lan là De Heus. Ông có thể nói rõ hơn về mô hình liên doanh này?
- Hùng Nhơn liên doanh với De Heus xây dựng chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 1.000 ha trang trại tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Liên doanh DHN của chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt công suất khoảng 10.000 heo giống cụ, kỵ tại khu vực Tây Nguyên; 200.000 heo nái thương phẩm tại khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; 58 triệu con gà giống và 25 triệu con gà thịt tại Tây Ninh.
Thành công của mô hình DHN cũng là động lực để ông kết nối Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) với Tây Ninh?
- Trong quá trình hợp tác với De Heus, tôi nhận ra rằng xu thế của phát triển nông nghiệp số rất phù hợp hoàn cảnh của Việt Nam. Thế nhưng, giữa khát vọng và mong muốn “đánh thức” tiềm năng và thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao là không đơn giản. Cần có sự gặp gỡ, đối thoại và xúc tiến các hoạt động đầu tư để có được tiếng nói chung, nhìn về một hướng.
Đó chính là lý do thúc đẩy tôi trở thành đơn vị kết nối giữa các cấp lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh với EuroCham để tổ chức diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023.
Còn quá sớm để có thể nói về hiệu quả mà diễn đàn ngày 2-6 mang lại tại cho Tây Ninh, nhưng sự có mặt của hơn 400 đại biểu đã phần nào cho thấy sự quan tâm của các doanh nghiệp trong nước và đặc biệt là các doanh nghiệp của EuroCham với lĩnh vực nông nghiệp Tây Ninh.
Một khi chúng ta có sự quan tâm và thấu hiểu, cộng với những thế mạnh sẵn có và khát vọng, tầm nhìn chung, thì việc hợp tác chắc chắn mang lại kết quả cao. Không chỉ mang lại hiệu quả cho bản thân doanh nghiệp mà xa hơn là đóng góp vào sự phát triển của nền nông nghiệp Tây Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Xin cảm ơn ông!