Chuyên gia dự báo áp lực tỷ giá sẽ giảm từ cuối quý II?

(ĐTTCO) - Nhận định trên được các chuyên gia đưa ra trong hội thảo tham vấn ý kiến cho báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024” do BIDV, ADB và NFSC đồng tổ chức tại Hà Nội, ngày 16-4.

Đại diện nhóm nghiên cứu, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, thị trường tài chính Việt Nam năm 2023 phục hồi với các điểm sáng - tối đan xen, nhưng phần sáng vẫn chi phối. Bước sang năm 2024, bức tranh về thị trường tài chính tại Việt Nam được đánh giá sẽ có nhiều điểm sáng hơn năm 2023.

Theo TS Cấn Văn Lực, vấn đề áp lực về tỷ giá đang được quan tâm trong thời gian qua, song không đáng lo ngại. Bởi mặc dù còn chịu áp lực lớn trước khi Fed quyết định giảm lãi suất nhưng sẽ hạ nhiệt dần từ cuối quý II với mức tăng khoảng 2,5-3% trong năm2024.

bidv.jpg
Các chuyên gia dự báo áp lực về tỷ giá sẽ "hạ nhiệt" từ cuối quý II năm nay

“Tôi cho rằng nếu quý 2 này Fed điều chỉnh lãi suất đồng USD thì áp lực tỷ giá VNĐ/USD sẽ hạ nhiệt, còn nếu chậm nhất là vào tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương và giới đầu tư cũng đều chuẩn bị các kịch bản với các phương án riêng cho mình. Theo tôi tỷ giá không quá đáng lo ngại”, TS Cấn Văn Lực nói.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu BIDV, ADB và NFSC, dự báo kinh tế thế giới năm 2024 sẽ đi ngang hoặc tăng trưởng chậm lại (2,4% so với mức tăng 2,6% năm 2023) dù thương mại và đầu tư dần phục hồi, lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm (3,5-4% từ mức 5,7% năm 2023). Đối với Việt Nam, dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 6-6,5% (kịch bản cơ sở) với các động lực tăng trưởng phục hồi tốt hơn năm 2023, lạm phát tăng khoảng 3,4-3,8% so với mục tiêu 4-4,5%.

Thị trường tài chính của Việt Nam năm 2024 cũng được các chuyên gia dự báo sẽ tăng trưởng tích cực hơn. Theo đó, tăng trưởng lợi nhuận của các định chế tài chính năm 2024 được dự báo sẽ ở mức cao hơn năm 2023.

Điều này được cộng hưởng bởi chính sách tiền tệ được dự báo theo hướng chủ động, linh hoạt, lãi suất duy trì ở mức thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, cơ cấu cung ứng vốn của nền kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo chuyển dịch theo hướng tích cực và thanh khoản thị trường được kỳ vọng có sự cải thiện.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, thị trường tài chính trong năm 2024 vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như nợ xấu còn gia tăng trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ giảm dần cùng với đà phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu cùng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện vẫn còn yếu.

Các tin khác