PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 trong bối cảnh toàn cầu đầy thách thức?
Ông ANDREA COPPOLA: - Suy thoái kinh tế toàn cầu và tác động của nó đã khiến 2023 trở thành một trong những năm thách thức nhất của thế kỷ 21. Bất chấp những thách thức này, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới. Quan hệ thương mại mạnh mẽ của Việt Nam tạo nên sự thành công trong thời gian qua.
Mặc dù phụ thuộc vào nhu cầu từ các đối tác thương mại đã đưa Việt Nam vào thế phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng tôi vẫn đánh giá kinh tế Việt Nam trong năm 2023 tích cực với GDP đạt 5,05%, trong khi tăng trưởng kinh tế Mỹ chỉ khoảng 2,5%, và EU tăng trưởng thậm chí còn yếu hơn, chỉ ở mức khoảng 0,5%. Đầu tư công đã tăng khoảng 35% so với năm trước, giúp duy trì tăng trưởng kinh tế.
- Năm qua rất nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn, ông có thể giải thích nguyên nhân của những khó khăn đó?
- Theo tôi có 2 nguyên nhân chính. Nguyên nhân đầu tiên có liên quan đến yếu tố bên ngoài. Suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam. Cú sốc bên ngoài này ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu. Nhiều công nhân mất việc làm và thu nhập của họ bị ảnh hưởng.
Điều này một phần dẫn đến nguyên nhân thứ 2 là do yếu tố trong nước. Theo đó, nhiều lao động Việt Nam giảm việc dẫn đến tiêu dùng nội địa giảm tốc, không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, còn ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp khác, các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Thông điệp của tôi dành cho Việt Nam là tận dụng sức mạnh nội tại và thúc đẩy tăng năng suất của nền kinh tế, biến những thách thức bên ngoài thành cơ hội củng cố hơn nữa mô hình tăng trưởng kinh tế của mình.
- Như vậy theo ông nền kinh tế Việt Nam đã vượt thoát và đang phục hồi?
- Giai đoạn cuối năm 2023 chúng ta thấy có dấu hiệu phục hồi kinh tế. Sự phục hồi này được thúc đẩy bởi 2 yếu tố chính.
Thứ nhất, nhu cầu bên ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam dần phục hồi. Nếu như xuất nhập khẩu giảm xuống mức thấp nhất vào giữa năm 2023, thì đã cải thiện trong cuối năm.
Thứ hai, giải ngân đầu tư công đã được thúc đẩy với con số tăng đáng kể so với năm 2022. Đầu tư công là yếu tố then chốt vì chúng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn, vì vậy cải thiện hơn nữa quản lý đầu tư công là ưu tiên hiện nay của Việt Nam.
Thứ ba, bất chấp cú sốc mạnh giáng xuống nền kinh tế, tiêu dùng tư nhân vẫn phục hồi tốt. Sự tăng trưởng của doanh số bán lẻ, một chỉ số nói lên tiêu dùng cá nhân, ổn định ở mức 7,5% kể từ tháng 8. Tốc độ tăng trưởng này tuy chậm hơn đáng kể so với trước đại dịch Covid-19, nhưng tiêu dùng tư nhân vẫn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Vì thế, nếu chọn một từ để miêu tả Việt Nam năm 2023, tôi chọn từ “kiên cường”. Với đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam, suy thoái kinh tế toàn cầu là cú sốc tiêu cực lớn, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, thu hút nhiều sự chú ý quốc tế trong năm 2023. Báo chí truyền thông toàn cầu đã đăng tải nhiều bài viết nhấn mạnh thành tích và tiềm năng của Việt Nam, đặc biệt chuyến thăm của các nguyên thủ thế giới tới Việt Nam càng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam cũng được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế nhờ sự ổn định về kinh tế, chính trị và khả năng hội nhập nền kinh tế toàn cầu. Thí dụ, một bài báo đăng trên tờ Financial Times vào tháng 7, đã chỉ ra những cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam.
Điều quan trọng đối với Việt Nam là tiếp tục củng cố môi trường kinh doanh, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân, để tận dụng tối đa tác động của diễn biến địa chính trị toàn cầu đối với đầu tư và thương mại quốc tế.
- Trong bối cảnh thế giới năm 2024 sẽ có nhiều biến động khó lường, mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% có phải là thách thức, thưa ông?
- Bối cảnh quốc tế dự kiến sẽ còn nhiều thách thức trong năm 2024. Sau đợt suy thoái toàn cầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc hơn nữa vào năm 2024, bao gồm các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ. Rủi ro chính cho năm tới bao gồm rủi ro địa chính trị, tác động của các cuộc xung đột lên giá năng lượng, căng thẳng tài chính liên quan đến sự gia tăng lãi suất dài hạn, và hoạt động kinh tế yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc.
Trong bối cảnh như vậy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến tiếp tục chậm lại vào năm 2024. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% của Việt Nam là đầy tham vọng. Chúng tôi dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ tăng nhẹ nhưng rất khó đạt được mức 6 hoặc 6,5%, trừ khi nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng tốc mạnh hơn nữa.
Việt Nam có thể hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa, bằng cách đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng và dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam là nguồn nội lực lớn nhất của đất nước, doanh nhân Việt Nam đã giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng gấp 7 lần trong 30 năm qua.
Để duy trì mức tăng trưởng nhanh chóng này với môi trường bên ngoài đầy thách thức, theo tôi cần tiếp tục thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân và nâng cao năng suất.
Tôi đề nghị tăng gấp đôi nỗ lực phát triển nguồn nhân lực bằng cách nâng cao trình độ của lực lượng lao động, phát triển vốn vật chất thông qua đầu tư công vào cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng để có thể tăng khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông.