Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Cơ quan Thường trực BCĐ, bình quân 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn mức tăng 1,19% của 6 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2020.
Lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm tăng 1,25%, tạo dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4% do Quốc hội và Chính phủ đặt ra.
Phó Thủ tướng nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm, lĩnh vực điều hành giá chịu rất nhiều áp lực, nhưng với sự chỉ đạo tích cực của Chính phủ, Thủ tướng, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành, địa phương, chúng ta kiểm soát được lạm phát, CPI bình quân chỉ tăng 2,44%. Thời gian tới, tình hình diễn biến khó lường, áp lực tăng giá, kiểm soát chỉ số giá và lạm phát rất lớn.
Do đó, công tác kiểm soát điều hành giá phải tập trung, không được chủ quan, lơ là. Các bộ ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình phải tập trung nghiên cứu, đưa ra các giải pháp phù hợp trong điều kiện dư địa có thể; chủ động cập nhật tình hình, triển khai các giải pháp Chính phủ, Thủ tướng, BCĐ điều hành giá đã giao một cách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, góp phần giữ CPI theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Các bộ ngành có chức năng quản lý liên quan đến mặt hàng thiết yếu phải có giải pháp kịp thời để đảm bảo cung cầu, theo sát tình hình, xử lý tình trạng găm hàng, thiếu hàng.
Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát. Nhiệm vụ của ngân hàng là ổn định tỷ giá, giữ được giá trị đồng tiền, do đó phải sử dụng hiệu quả dự trữ ngoại hối, có chính sách kiểm soát thị trường ngoại hối phù hợp, kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp găm giữ, thao túng thị trường; kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý…
Cùng với đó, phải có giải pháp phù hợp với những hàng hóa thiết yếu ảnh hưởng đến CPI. Đơn cử như xăng dầu tuy có sự điều chỉnh nhưng giá xăng RON95 vẫn neo rất cao (32.763 đồng/lít); vừa qua đã tính toán giảm thuế bảo vệ môi trường. Nếu còn dư địa, có thể đề xuất với cấp thẩm quyền giảm thêm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt. Phải xử lý nhanh chính sách tài khóa này để kiểm soát vì xăng dầu tác động lớn đến CPI. UBND các tỉnh thành có giải pháp bình ổn giá, kiểm soát giá và thực hiện chức năng quản lý giá ở địa phương, kiểm tra các yếu tố hình thành giá, tình hình có bất thường thì phải thanh tra ngay. Tăng cường chống thẩm lậu xăng dầu qua biên giới khi giá trong nước đang thấp hơn một số nước trong khu vực.