Công - tư hiệp lực tạo lập nhà ở cho người lao động

(ĐTTCO) - TPHCM có khoảng 280.000 doanh nghiệp và 460.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể đang hoạt động, sử dụng hơn 4,7 triệu lao động (gồm 2,4 triệu lao động ở khu vực chính thức và hơn 2,3 triệu lao động tự do ở khu vực phi chính thức). 
Trong số đó, phần lớn người lao động (NLĐ) có nhu cầu nhà ở lâu dài để an tâm làm việc và sinh sống tại thành phố. Nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân, NLĐ, người có thu nhập thấp trên địa bàn, TPHCM đã đặt mục tiêu xây dựng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng (tương đương 35.000 căn hộ) nhà ở xã hội (NƠXH) trong giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, so sánh giữa số căn hộ NƠXH đã, đang và dự kiến được cung cấp với nhu cầu của NLĐ về việc sở hữu nhà ở hiện này thì vẫn có một khoảng cách khá lớn. Đó là chưa kể với mức thu nhập hiện tại của NLĐ (trung bình 8,9 triệu đồng/người/tháng), rất khó có khả năng sở hữu NƠXH. Mỗi căn NƠXH có giá từ 1 - 1,6 tỷ đồng, là mức giá đang ở khoảng cách… 15 năm thu nhập với giả thiết NLĐ không chi tiêu bất cứ khoản gì cho bản thân, chỉ dành riêng để mua nhà. Vì thế, TPHCM nên phát triển nhà ở, căn hộ để cho thuê dài hạn sẽ hợp lý hơn là phát triển nhà ở, căn hộ để bán cho NLĐ. 
Hướng phát triển trên cũng phù hợp khi xét từ chính hành vi của NLĐ. Kết quả khảo sát xã hội gần đây cho thấy, 80-90% NLĐ di cư ở nhà thuê. Thuê trọ đã trở thành tập quán của NLĐ di cư và theo đó dịch vụ cho thuê phòng trọ cũng trở thành một trong những sinh kế của cư dân địa phương. Ở khía cạnh nào đó, NLĐ di cư cũng đang góp phần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái dịch vụ xã hội cho TPHCM. Không ít người dân TPHCM cũng đã thực hành loại hình “kinh tế chia sẻ” khi tận dụng không gian cư trú của gia đình cho thuê trọ để tăng thêm thu nhập. 
Trong chính sách phát triển nhà ở cho công nhân, NLĐ và người có thu nhập thấp, mô hình nhà trọ tư nhân cần tiếp tục được duy trì và có những giải pháp khuyến khích nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc ban hành những quy định, điều kiện về không gian, tiện ích đảm bảo môi trường sống an toàn, thoải mái cho NLĐ. Giải pháp nâng cấp chất lượng hệ thống nhà trọ cho thuê tại các khu vực tập trung đông NLĐ được thực hiện song hành với phát triển NƠXH, nhà lưu trú để cho thuê như trên, sẽ giúp đông đảo NLĐ được tiếp cận nhà ở đảm bảo điều kiện hơn.
TPHCM cũng cần xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp bên cạnh đầu tư hạ tầng sản xuất cũng cần đầu tư hạ tầng an sinh xã hội cho NLĐ. Việc thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không nên chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích lòng trắc ẩn của giới chủ mà phải là cơ chế, chính sách của TPHCM đối với các doanh nghiệp đầu tư vào thành phố.
Đặt ra các yêu cầu đối với doanh nghiệp phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn về môi trường, trách nhiệm xã hội với NLĐ và cộng đồng địa phương cũng phù hợp với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, cũng phù hợp với nhận thức và mong đợi của người tiêu dùng đối với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - nhất là các thế hệ trẻ đang có sự thay đổi và quan tâm nhiều hơn khi lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, các sản phẩm của các doanh nghiệp có đóng góp cho cộng đồng và trách nhiệm đối với NLĐ. Vì thế, đảm bảo nhà ở cho NLĐ không chỉ là trách nhiệm của TPHCM hay NLĐ tự xoay xở mà ở đó, cần có sự tham gia của doanh nghiệp sử dụng nguồn lao động.

Các tin khác