Nhiều trang bán hàng bỏ cuộc
Việt Nam với dân số hơn 96 triệu người, lượng người dùng smartphone tăng nhanh, được xem là vùng đất đầy tiềm năng của thị trường thương mại điện tử. Ngày nay, người tiêu dùng Việt có thể chuyển tiền trực tuyến, du lịch trực tuyến, giải trí trực tuyến, mua bán trực tuyến...
Theo báo cáo về chỉ số thương mại điện tử của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), quy mô thị trường năm 2018 đạt khoảng 7,8 tỷ USD. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020, quy mô thị trường sẽ lên đến 13 tỷ USD.
Khi thị trường càng hấp dẫn, cuộc cạnh tranh càng khốc liệt. DN nào không đeo bám nổi, không đủ tiềm lực kinh tế, sẽ chết. Đã có nhiều cái tên đã chết, như Robins Online (Central Group), vuivui.com (Thế Giới Di Động) và mới đây là Adayroi… sau một thời gian dẫn đầu tung hoành.
Dù lượng truy cập của Adayroi đạt khoảng 6 - 7 triệu lượt/quý, không thua gì các trang bán hàng lớn như Shopee, Tiki, Lazada hay Sendo, nhưng khi Vingroup công bố rút lui khỏi mảng bán lẻ trực tiếp thì từ nay đến cuối năm các trang thương mại điện tử Adayroi sẽ sáp nhập vào VinID.
Chọn mua xe gắn máy trên một trang thương mại điện tử. Ảnh: CAO THĂNG
Rất nhiều DN khác dù đầu tư bài bản, chấp nhận chịu lỗ thời gian dài, nhưng sức đua không chịu nổi và cũng đành thua cuộc. Như vào cuối tháng 3-2019, sàn thương mại điện tử thời trang Robins Online, tiền thân là Zalora, bất ngờ tuyên bố tạm dừng mọi hoạt động bán hàng. Theo số liệu của iPrice, trong quý 4-2018, Robins.vn là website thương mại điện tử về thời trang có lượt truy cập cao nhất tại Việt Nam, với hơn 965.000 lượt mỗi tháng. Khi đóng cửa, không những mất trắng mà Robins Online còn xử lý tồn đọng, như cử bộ phận nhân viên hoàn lại phần tiền thừa trong ví của khách hàng vào tài khoản ngân hàng của khách.
Cuộc chơi “đốt tiền”
Cách đây vài năm, thị trường chứng kiến rất nhiều trang bán hàng online của DN trong nước ra đời; để cạnh tranh nhau, các trang này đã đổ tiền ra khuyến mãi, chịu lỗ để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, tâm lý DN Việt thường vốn ít lại muốn kiếm lời nhanh nên không chuẩn bị cho cuộc đua đường dài. Kết quả, nhiều DN vốn yếu không tồn tại nổi, đành bỏ cuộc. Vì thương mại điện tử kinh doanh trên môi trường mạng, nên DN nào không đủ lực, tài chính cạn kiệt, phải dừng cuộc chơi là mất trắng.
Trong bối cảnh đó, nhiều DN lớn trên thế giới đổ vào qua các thương vụ đầu tư, M&A và cuộc đua thương mại điện tử với sự xuất hiện của các đại gia càng cạnh tranh khốc liệt. Các trang mạng bán hàng thi nhau mở rộng thị phần bằng những chương trình khuyến mãi ồ ạt, ai cũng muốn nhanh chóng thâu tóm thị trường. Đó là lý do đầu tư thương mại điện tử được xem là cuộc chơi “đốt tiền”, khi nhiều nhà đầu tư chịu lỗ lớn để giết chết đối thủ nhằm thống lĩnh thị trường; những DN nhỏ, không theo nổi sẽ phải bỏ cuộc.
Chẳng hạn, sàn thương mại điện tử Lingo.vn cạnh tranh trong bối cảnh thị trường Việt Nam có nhiều trang bán hàng Lazada, Tiki, Sendo, Shopee có vốn đầu tư từ các đại gia nước ngoài nên tiềm lực tài chính mạnh hơn, do vậy, chỉ ra đời và tồn tại hơn 5 năm (2011-2016), Lingo âm thầm đóng cửa với khoản tiêu tốn lên đến 150 tỷ đồng.
Các trang mạng khác sau khi “đốt tiền” đã thâu tóm được thị trường, nhưng để duy trì thì phải kêu gọi vốn nước ngoài hoặc các nhà đầu tư khác. Chẳng hạn, Tiki thu hút hàng ngàn tỷ đồng từ Công ty VNG của Việt Nam, hay như Shopee được công ty mẹ ở nước ngoài đổ vốn vào lên đến 50 triệu USD... “Nếu không tiếp tục đổ vốn vào để dẫn dắt cuộc chơi thì không thể bảo tồn nguồn đầu tư cũ, mà phải chịu mất trắng hoặc phải bán lại”, đó là nhận xét của nhiều DN.