Mặc dù tháng 7 là tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường, khôi phục lại nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song cầu nội địa vẫn đang ở mức thấp. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 7 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.799,6 nghìn tỷ đồng, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đại dịch Covdid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng giảm đáng kể. (Ảnh minh họa) |
Có thể nói, dịch Covid-19 đã gây ra một tác động kép lên cả tổng cung và tổng cầu khi sản xuất đình trệ, tiêu dùng co hẹp. Chính phủ đã tung ra các chính sách, biện pháp để thúc đẩy cả tổng cung và tổng cầu như: gói hỗ trợ lãi suất cho nghiệp, miễn giảm thuế, thúc đẩy đầu tư công, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để kích thích nhu cầu người dân,... Tuy nhiên, để triển khai các chính sách này một cách hiệu quả trong giai đoạn tới giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, cần có sự phối hợp của 3 nhóm chủ thể là các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Theo quan điểm của TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), trong bối cảnh toàn nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn bị hạn chế tại nhiều quốc gia đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp, khách du lịch quốc tế khó đến Việt Nam hơn thì kích cầu nội địa, cả về tiêu dùng, thương mại, dịch vụ là một giải pháp hữu hiệu. Giải pháp này có tác dụng thúc đẩy chi tiêu trong nước, thúc đẩy dòng tiền lưu thông, hỗ trợ đắc lực cho các cá nhân, doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi sau đại dịch.
Hiện nay, khi hàng hóa xuất nhập khẩu còn bị hạn chế, người dân sẽ chuyển sang dùng hàng nội địa nhiều hơn, dần hình thành thói quen sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước, TS. Độ nhận định.
Vị chuyên gia kinh tế này lưu ý, dưới tác động của dịch bệnh, nhiều người dân và doanh nghiệp đã bị sụt giảm mạnh về khả năng tài chính do không có doanh thu, không được trả lương… nên sẽ mất nhiều thời gian để có thể quay trở lại chi tiêu như trước khi có dịch. Thậm chí, hiện nay, nhiều người dân lo ngại về những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh nên chuyển sang tích trữ tài sản, không dám đẩy mạnh tiêu dùng.
Dù Chính phủ kêu gọi khuyến khích doanh nghiệp tung ra các chương trình khuyến mãi, ưu đãi để kích cầu tiêu dùng trong nước, nhưng chính bản thân doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn, bị hạn chế về vốn, nên đứng trước áp lực lợi nhuận, các doanh nghiệp cũng không thể kéo dài các chương trình kích cầu hoặc khó có thể giảm giá sâu, TS. Độ nêu rõ.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Đức Độ, "con đường" để thị trường nội địa phát triển hiệu quả còn nằm ở những hy vọng về làn sóng dịch chuyển đầu tư, dịch chuyển các nhà máy từ các nước chịu nhiều rủi ro về dịch bệnh vào Việt Nam. Nếu có sự gia tăng về số lượng và chất lượng đầu tư nước ngoài, người dân sẽ có thêm công ăn việc làm, doanh nghiệp có thêm nguồn cung cho sản phẩm… dòng tiền sẽ trở lại như trước.
Doanh nghiệp cần nắm bắt thị trường, xu hướng tiêu dùng để có hướng đi thích hợp trong đại dịch. (Ảnh minh họa) |
Từ góc nhìn về phía doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để kích cầu tiêu dùng thì bản thân doanh nghiệp cần phải nắm rõ tình hình thực tế thị trường để có quyết định cẩn trọng trong sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, doanh nghiệp phải bám sát, nắm thông tin dự báo từ các bộ, ngành, định hướng của Chính phủ để chọn chiến lược, kế sách hành động phù hợp cho ngắn hạn và trung hạn.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ quan trọng và hiệu quả. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nếu tiếp tục đưa ra các gói kích thích mới một cách vội vàng sẽ dẫn tới các chồng lấn về triển khai chính sách. Điều cần làm lúc này là quan sát diễn biến của dịch, công tác phòng, chống dịch, diễn biến các thị trường, cũng như thói quen, xu hướng tiêu dùng... để từ đó, có tính toán, chiến lược ứng phó phù hợp, ông Nam nêu ý kiến.