Đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư

(ĐTTCO) - Khép lại quý III, tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục khả quan. Tổng vốn đăng ký của 9 tháng đạt 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư

Nếu như trong 6 tháng đầu năm nay, vốn đăng ký giảm tới 4,3%, thì chỉ riêng trong quý 3 đã tăng tới 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn giải ngân trong 3 quý năm 2023 cũng đạt hơn 15,9 tỷ USD, tăng 2,2%. Đây là động lực rất quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay và các năm tiếp theo.

Sự phục hồi và bắt đầu tăng trưởng trở lại của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong quý III khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường đầu tư thông thoáng, an toàn; nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp đã được thực thi hiệu quả.

Theo các chuyên gia Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), dòng vốn “chảy” vào nước ta 9 tháng qua có đặc điểm là tốc độ tăng số dự án mới (66,3%) cao hơn nhiều so với tốc độ tăng tổng vốn đầu tư mới (43,6%). Điều này cho thấy các nhà đầu tư quy mô nhỏ và vừa tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam, còn các tập đoàn lớn luôn cẩn trọng, xem xét kỹ các dự án đầu tư lớn, nhất là trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ 1-1-2024.

Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế như: Hà Nội, TPHCM, Bắc Giang, Bình Dương, Hải Phòng. Các nhà đầu tư đến từ châu Á, đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn (Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc). Các đối tác này đã chiếm tới 78,81% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước trong 9 tháng đầu năm và đều có mức vốn đăng ký đạt trên 1 tỷ USD/đối tác trong 9 tháng qua, nhất là Singapore với gần 4 tỷ USD.

Làm thế nào để “nuôi dưỡng” đà hồi phục này và tiếp tục thu hút thêm các nhà đầu tư mới, những dự án mới có quy mô và chất lượng mong muốn? Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh: Các giải pháp “truyền thống” vẫn luôn hiệu quả. Đó là nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực, rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, tiếp tục cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa; nâng cao chất lượng nguồn lao động, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối các tỉnh, vùng kinh tế.

Một việc hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, là ban hành văn bản pháp quy, quy định việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, chủ động áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp nộp bổ sung thuế tại Việt Nam.

Sự minh bạch, rõ ràng này sẽ giúp các doanh nghiệp có ý định đầu tư vào Việt Nam giải được bài toán kinh doanh chính xác, nhanh chóng đưa ra quyết định. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, những chính sách hỗ trợ thực sự cần thiết.

Cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Các tin khác