Nhộn nhịp săn đón nhà đầu tư
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), tính đến ngày 20-8, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam xuyên suốt thời gian dài. Theo ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho tới thời điểm này có đến 60% vốn đầu tư vào Việt Nam là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Do quy định của pháp luật đất đai, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này chỉ có con đường duy nhất là đi vào những KCN-KCX, khu kinh tế… Vì vậy, các KCN-KCX hoàn chỉnh hạ tầng được các nhà đầu tư rất quan tâm. Một xu thế đáng chú ý là dòng vốn đầu tư có sự chuyển dịch lớn, xuất hiện thêm nhiều nhà đầu tư đến từ Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bắc Mỹ.
“Vừa qua, Cục Đầu tư nước ngoài đã tiếp các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đến tìm hiểu đầu tư, đặc biệt là Hiệp hội Bán dẫn của Hoa Kỳ với 32 thành viên đã đến khảo sát, tìm hiểu Việt Nam như là một điểm đến để dịch chuyển các dự án sản xuất bán dẫn, chip”, một lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài thông tin.
Về bối cảnh trong nước, nhiều địa phương đang rất nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài với những chính sách lợi thế vượt trội về đất đai, nhân công dồi dào và giá rẻ, và TPHCM không thể đứng ngoài “cuộc đua”. Với một thị trường rộng lớn hơn 10 triệu dân, cùng ưu thế về nhân lực chất lượng cao, TPHCM được đánh giá là một điểm đến được nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và nhà quản lý, TPHCM đề cao thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng đến dòng vốn ở các lĩnh vực công nghệ cao với mục tiêu đến năm 2025 thu hút đạt trên 50 dự án ở lĩnh vực này.
“Hiện TPHCM mới thu hút được 7 dự án với khoảng 250 triệu USD, nghĩa là trong hơn 2 năm tới, TPHCM mong muốn thu hút thêm ít nhất 43 dự án công nghệ cao với 2,75 tỷ USD vốn đầu tư”, một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.
Tăng quỹ đất, bắt nhịp xu hướng xanh
Nhằm tích cực chuẩn bị cơ sở hạ tầng, TPHCM đang gấp rút triển khai đề án định hướng phát triển các KCN-KCX đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nhằm giải bài toán quỹ đất hạn chế, TPHCM đã phát triển mô hình nhà xưởng cao tầng tại một số KCN-KCX (đã thí điểm xây dựng ở một số KCN-KCX từ năm 2015) và cho hiệu quả tối ưu quỹ đất sản xuất công nghiệp, tiết kiệm tài nguyên, đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp, thu hút thêm nhà đầu tư mới.
Từ nhà xưởng cao 8 tầng đầu tiên được xây dựng ở KCX Tân Thuận, ngay sau đó là nhiều nhà xưởng cao tầng cũng mọc lên ở KCN Hiệp Phước, KCX Linh Trung I, KCN Đông Nam... Các khu nhà xưởng ưu tiên cho ngành nghề không có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không có chất thải độc hại, bụi, mùi khó chịu, không có nguy cơ gây cháy nổ.
Bên cạnh đó, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc điều chỉnh, bổ sung KCN Phạm Văn Hai I và Phạm Văn Hai II vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam. Trong bối cảnh nhiều năm qua chưa có thêm KCN mới nên việc bổ sung 2 KCN với tổng diện tích 668ha vào quy hoạch đã mở ra cơ hội phát triển KCN kiểu mới ở TPHCM.
Theo ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN-KCX TPHCM, với KCN Phạm Văn Hai I và Phạm Văn Hai II, TPHCM sẽ chủ động xây dựng KCN theo đúng định hướng phát triển của thành phố. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch, TPHCM đang gấp rút triển khai các bước để sớm hình thành nên 2 KCN mới này. Việc triển khai KCN Phạm Văn Hai I và Phạm Văn Hai II cũng được đánh giá là thuận lợi, khi toàn bộ 668ha quy hoạch không có đất ở mà là đất nông nghiệp do một công ty trực thuộc UBND TPHCM quản lý và sử dụng.
Xu hướng phát triển xanh cũng được TPHCM triển khai tích cực. KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) hiện là KCN duy nhất trên địa bàn TPHCM tham gia dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” do Bộ KH-ĐT và Tổ chức Công nghiệp Liên hợp quốc thực hiện.
Ban Quản lý các KCN-KCX TPHCM đánh giá, một số hoạt động kinh tế tuần hoàn trong KCN Hiệp Phước đã bước đầu mang lại hiệu quả; mô hình “cộng sinh công nghiệp” được vận dụng ngày càng nhiều. Đây là một cách tiếp cận hết sức mới mẻ, chuyển đổi mô hình từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái, phát triển bền vững.
Có những tập đoàn đang đầu tư ở TPHCM tuyên bố, đến năm 2030 chỉ sử dụng năng lượng tái tạo và các giải pháp khác để sản xuất, như đã cam kết toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề đầu tư năng lượng tái tạo cũng đang là trở ngại.
Chúng tôi tích cực đề xuất với Bộ Công Thương việc phát triển điện mặt trời trên mái nhà xưởng, bởi vì bộ mới chỉ có quy định về lắp đặt điện mái nhà ở hộ dân nhưng chưa có hướng dẫn cho nhà xưởng của doanh nghiệp. Nếu được phép lắp đặt điện mái nhà thì doanh nghiệp có thể giảm được ít nhất 30% tiền điện hàng tháng, đặc biệt sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp có chứng chỉ xanh trong xuất khẩu.