Các chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng, cần đột phá về công nghệ trong chế biến và bảo quản để tạo thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường.
Công nghệ lạc hậu làm giảm chất lượng gạo
Thời gian qua, ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam đã có những bước tiến căn bản khi nông dân và doanh nghiệp quan tâm đến cơ cấu giống lúa chất lượng cao, đầu tư hệ thống sấy, xay xát và cơ giới hóa trong khâu thu hoạch góp phần cải thiện hình ảnh hạt gạo Việt Nam.
Cần tạo đột phá để nâng cao giá trị và chất lượng hạt gạo.
Song, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam: “Hiệu quả chuỗi giá trị ngành lúa gạo còn thấp do tỷ lệ thất thoát cao. Cụ thể, tỷ lệ thất thoát của Việt Nam là 13,7%, trong khi Thái Lan là 6,1% và Ấn Độ là 6%; chất lượng gạo xuất khẩu còn thấp, tỷ lệ gạo trên 15% tấm còn chiếm tới 36%; phân phối lợi nhuận chia sẻ rủi ro giữa nông dân và các đối tác còn bất cập”.
Cơ sở hạ tầng, công nghệ bảo quản chế biến ở địa phương còn lạc hậu làm gia tăng tổn thất và giảm chất lượng trong bảo quản. Hệ thống sấy lúa còn thiếu, không đáp ứng đủ nhu cầu, công nghệ sấy bất cập đã ảnh hưởng xấu tới chất lượng gạo xuất khẩu. Hệ thống kho chứa mới chủ yếu bảo quản gạo không đủ diện tích kho để bảo quản lúa.
Do đó sau khi thu mua lúa, các cơ sở đều phải xay xát ngay và tồn trữ dưới dạng gạo lứt, chất lượng gạo bị giảm trong quá trình bảo quản; quy trình chế biến sau thu hoạch chưa tối ưu là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hiệu quả chế biến và giá trị gia tăng thấp, thất thoát cao, chất lượng kém và khó tận dụng phụ phẩm trong chế biến lúa gạo để tạo ra giá trị gia tăng.
Dù đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư hệ thống kho, xay xát nhưng theo các chuyên gia trong ngành lúa gạo thì tình trạng dùng “quy trình ngược” vẫn còn phổ biến. Cụ thể, phương pháp xay xát cắt khúc, gồm bóc lứt một nơi, sau đó xát trắng và đánh bóng ở một nơi khác, gây tổn thất lớn cả về khối lượng và chất lượng lúa gạo.
Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) đã cụ thể hóa nội dung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn là phải gắn với công nghiệp chế biến và thị trường.
Hiện nay, chúng ta đang thảo luận nhiều đến chuỗi giá trị lúa gạo. Giá trị thặng dư của nông nghiệp Việt Nam còn ở mức thấp (18%-20% theo phân tích của Ngân hàng Thế giới). Công nghiệp chế biến của chúng ta vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng trong đầu tư cơ sở vật chất và nghiên cứu khoa học. Trong khi công nghệ sau thu hoạch và tồn trữ nông sản trên thế giới đang đổi mới khá nhanh.
Loại bỏ “quy trình ngược”
TS Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, đề xuất: Để nâng cao chất lượng gạo, trong thời gian tới, cần cải thiện hơn nữa quy trình công nghệ và thiết bị để xay xát lúa gạo. Bên cạnh đó, ứng dụng tự động hóa để kiểm soát hoàn toàn và chính xác quá trình xay xát nhằm nâng cao chất lượng hạt gạo.
Đối với công nghệ xay xát, cần ứng dụng phương pháp “xay xát một giai đoạn duy nhất”; ứng dụng công nghệ xát lứt 2 lượt, xát trắng 2-3 lượt và đánh bóng 2-3 lượt để giảm cường độ chà xát và tích tụ nhiệt lượng đối với hạt gạo, nhằm giảm tỷ lệ tấm, tăng tỷ lệ gạo nguyên sau xay xát. Ứng dụng các máy làm sạch, phân loại và tách màu tiên tiến để cải thiện hơn nữa chất lượng của gạo sau khi xay xát đáp ứng được yêu cầu chất lượng cao; đặc biệt đối với các loại gạo thơm, gạo Nhật, gạo đặc sản của các thị trường khó tính.
Thực tế, các doanh nghiệp xay xát, chế biến lương thực, dù quy mô nhỏ hay lớn, hàng năm đều có doanh nghiệp thua lỗ, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất, mặc dù đa số các công ty này có kinh nghiệm và lâu năm trong ngành. Cạnh tranh trong ngành gạo rất khốc liệt, đòi hỏi rất nhiều yếu tố để có thể tồn tại và phát triển.
Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông, than thở: “Ngoài yếu tố thị trường theo quy luật cung cầu, vấn đề thiếu vốn trong ngành gạo là một trong các nguyên nhân chính không giúp ngăn được đà giảm giá lúa gạo cho nông dân khi vào vụ thu hoạch rộ, làm doanh nghiệp cũng lỡ cơ hội kinh doanh khi không đủ tiền để có thể mua nhanh lượng lúa hàng hóa này”.
Một số chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng: Để góp phần tăng cường thu hút dòng vốn FDI vào nông nghiệp công nghệ cao, Việt Nam có thể học tập thêm kinh nghiệm từ Israel. Đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các công nghệ nông nghiệp mới, một yếu tố được xem là quyết định của thành công. Israel có tới 300 doanh nghiệp xuyên quốc gia tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, đã giúp thay đổi hoàn toàn bức tranh nông nghiệp của Israel và tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư quốc tế.
“Phát triển theo chiều sâu đối với nền nông nghiệp Việt Nam phải dựa trên cơ sở phát triển khoa học nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao. Làm gì để nông dân đủ sức đối diện với quyền sở hữu trí tuệ, thương mại hóa toàn cầu, sự cạnh tranh không cân sức giữa các nước giàu và nghèo trong chính sách trợ giá nông sản bất hợp lý của nước lớn. Trong vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, nông dân sẽ áp dụng công nghệ 4.0 với những thiết bị thông minh. Vùng chuyên canh phải gắn liền với nhà máy chế biến nông sản, đó là những nền tảng cho ngành lúa gạo Việt Nam”, GS-TS Bùi Chí Bửu, chỉ ra.