Đẩy nhanh tiến độ nối liền mạng lưới cao tốc miền Tây Nam bộ

(ĐTTCO) - Tốc độ đầu tư, hoàn thiện các đường cao tốc miền Tây Nam bộ vẫn đang thấp hơn tốc độ tăng trưởng lưu lượng phương tiện trên tất cả các tuyến dẫn đến tình trạng ùn tắc, nguy cơ mất an toàn giao thông.

Còn nhiều tuyến chưa được đầu tư

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166km, quy mô 4-6 làn xe. Trong đó có 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang nhằm cơ bản hoàn chỉnh mạng lưới giao thông tại ĐBSCL.

Trục ngang cao tốc của ĐBSCL sẽ có tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nằm phía Nam sông Hậu có tổng chiều dài 189,48km, tổng mức đầu tư là 44.691 tỷ đồng vừa được khởi công. Tuyến thứ hai là đường cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh dài 188km nằm phía Bắc sông Hậu.

Tuyến này gồm 3 đoạn: đoạn Dinh Bà - Cao Lãnh, đoạn Cao Lãnh - An Hữu, đoạn An Hữu - Trà Vinh. Hiện mới có đoạn Cao Lãnh - An Hữu được khởi công xây dựng bằng vốn ngân sách. Đoạn cửa khẩu Dinh Bà - Cao Lãnh và An Hữu - Trà Vinh đầu tư sau năm 2030.

Tuyến trục ngang còn lại là đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, hiện Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Tuy nhiên, do đoạn tuyến Rạch Giá - Bạc Liêu có tiến trình đầu tư sau năm 2030 nên công tác nghiên cứu chưa được hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền.

Với trục dọc, tuyến đầu tiên là cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 245km từ Long An đến Cà Mau, trong đó đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đã được khánh thành sau 13 năm thi công và nhiều lần đình hoãn. Hiện tuyến này có quy mô 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp, vừa đưa vào khai thác được hơn 1 năm đã trở nên quá tải.

Mới đây, CTCP Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất mở rộng đoạn tuyến này theo hình thức PPP (cùng với đoạn tuyến TPHCM - Trung Lương) lên 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, dự kiến hoàn thành vào năm 2027.

Đoạn tiếp theo là đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hiện đang thi công và đang nỗ lực để hoàn thành cuối năm 2023. Đoạn còn lại là Cần Thơ - Cà Mau dài 110km, được khởi công tháng 1-2023. Tuy nhiên, hiện dự án đang bị chậm tiến độ 3 tháng so với kế hoạch do thiếu cát vật liệu, mới chỉ cung ứng được 1,5 triệu m3 trong khi nhu cầu cần 18,1 triệu m3 cát.

Tuyến trục dọc thứ 2 là cao tốc Bắc - Nam phía Tây dài 180km, trong đó dự án đường cao tốc Cao Lãnh - Lộ Tẻ dài 28,8km và dự án đường cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51,4km được đầu tư theo phương án giữ nguyên quy mô đường hiện hữu, chỉ xây dựng hệ thống đường gom, hoàn chỉnh các nút giao và thảm bê tông nhựa mặt đường để khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

Dự kiến, dự án sẽ khởi công vào quý IV và hoàn thành năm 2024. Cũng nằm trong tuyến này còn có tuyến đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài 26km, dự kiến khởi công đầu năm 2024.

Cuối cùng là tuyến đường cao tốc từ TPHCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng nhằm giảm tải lưu lượng xe cho tuyến TPHCM - Trung Lương và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực. Dự án dài 150km, là một trục dọc phía Đông, dự kiến hình thành sau năm 2030.

Chung tay tìm kiếm nguồn lực

Theo thông tin từ Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), tính đến thời điểm này, mạng lưới đường bộ trong khu vực ĐBSCL đã được cải thiện với gần 187km đường cao tốc, 2.669km đường quốc lộ và 4.559km đường tỉnh lộ. Về cơ bản, tất cả các điểm chính trên vùng đều đã có kết nối đường bộ. Tuy nhiên, tỷ lệ chiều dài đường có quy mô trên 4 làn xe mới chỉ đạt 13,13%; chất lượng mặt đường chủ yếu đạt mức trung bình (65,37%), tỷ lệ mặt đường xấu và rất xấu còn cao (18,71%).

Phối cảnh mặt cắt ngang và trụ tháp cầu Đại Ngãi

Phối cảnh mặt cắt ngang và trụ tháp cầu Đại Ngãi

Hiện khu vực ĐBSCL đang triển khai đầu tư xây dựng 8 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 463km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng, dự kiến năm 2026 sẽ cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, hiện các dự án này vẫn đang gặp một số vướng mắc về giải phóng mặt bằng và vật liệu đắp nền. Đặc biệt, một số dự án bị phát sinh nhiều chi phí, làm tăng tổng mức đầu tư dẫn đến phải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt lại chủ trương đầu tư làm kéo dài thời gian thực hiện.

Có thể kể đến dự án đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh bị tăng tổng mức đầu tư từ 4.770 tỷ đồng thành 6.209 tỷ đồng do chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng tăng. Tương tự, dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu cũng có tổng mức đầu tư tăng lên 3.818 tỷ đồng, tăng thêm 1.572 tỷ đồng so với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự án cầu Rạch Miễu 2 cũng tăng tổng mức đầu tư thêm 1.600 tỷ đồng và thời hạn hoàn thành được lùi sang năm 2026 thay vì năm 2025.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc các dự án này chậm tiến độ, không thể khai thác đồng bộ với các dự án liên quan có thể khiến tình trạng quá tải, ùn tắc vẫn xảy ra trên cả tuyến phía Đông và phía Tây của khu vực, nhất là trong các dịp lễ tết.

Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Bộ GTVT đã liên tục có mặt tại các công trường, trực tiếp phối hợp cùng các địa phương tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là những vướng mắc về giải phóng mặt bằng và các thủ tục cho nhà thầu. Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị tập trung năng lực thi công để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án theo kế hoạch, đơn vị nào chậm tiến độ sẽ bị xử lý theo quy định tại hợp đồng.

Với các dự án đã có quy hoạch nhưng chưa triển khai, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, bộ đã nhận được nhiều ý kiến của cử tri các địa phương đề nghị sớm đầu tư các dự án này để sớm khép kín mạng lưới giao thông các tỉnh khu vực ĐBSCL, phục vụ nhu cầu giao thương, phát triển kinh tế, xã hội. Các đoạn tuyến được đề xuất là Dinh Bà - Cao Lãnh, An Hữu - Trà Vinh, Rạch Giá - Bạc Liêu và các đoạn trong tuyến đường cao tốc từ TPHCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng

Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, Bộ GTVT chưa thể cân đối được nguồn vốn. Trường hợp có nhu cầu triển khai đầu tư trong giai đoạn 2025-2030, các địa phương cần xem xét, có phương án cụ thể về khả năng huy động nguồn lực làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho đầu tư sớm hơn. Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, để sớm nối liền mạng lưới cao tốc khu vực ĐBSCL, các bộ ngành, địa phương cần chung tay trong việc tìm kiếm nguồn lực.

Các tỉnh miền Tây Nam bộ kết nối chặt chẽ với TPHCM trong giao thương hàng hóa, chính vì vậy việc các cửa ngõ giao thông kết nối TPHCM với các địa phương này chưa thông thoáng như hiện nay sẽ là nút thắt lớn trong giao thương hàng hóa.

Hiện quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh (TPHCM) nối với miền Tây Nam bộ vẫn chỉ có 2 làn xe ô tô mỗi bên - là nút thắt cổ chai lớn cho giao thông trong khu vực; đường cao tốc Bến Lức (Long An) - Long Thành - Dầu Giây (Đồng Nai) đi qua địa phận TPHCM, kết nối miền Tây và Đông Nam bộ vẫn chưa biết bao giờ hoàn thành; dự án đường nối đường Võ Văn Kiệt với đường cao tốc TPHCM - Trung Lương đang bị ngưng.

Nếu không được nhanh chóng tháo gỡ, thực tế này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ĐBSCL cũng như TPHCM.

Các tin khác