PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá như thế nào về việc TPHCM đang xây dựng đề án TP phía Đông để trình các bộ ngành xem xét?
Ông LÊ HOÀNG CHÂU: - Nếu nói về mô hình TP trong TP là mô hình bình thường, với giả định TPHCM là một tỉnh. Bởi mô hình tỉnh có TP trực thuộc ở nước ta đã có, như TP Mỹ Tho trực thuộc tỉnh Tiền Giang, hay TP Biên Hòa trực thuộc tỉnh Đồng Nai.
Tuy nhiên TPHCM hiện nay về mặt hành chính cao hơn 1 tỉnh thành bình thường, thậm chí cao hơn một số TP trực thuộc Trung ương. Như vậy TP phía Đông trực thuộc TPHCM là bình thường, nhưng nó không bình thường vì là mô hình đầu tiên. Vì thế, để thực hiện mô hình này phải sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Hơn nữa, đây là vấn đề lớn vì liên quan đến chuyện sáp nhập quận, giảm phường, nên phải được Quốc hội thông qua. TP mới này sẽ là đô thị loại 1 trực thuộc đô thị đặc biệt là TPHCM. Hiện nay cả nước chỉ có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TPHCM và có khoảng 17 đô thị loại 1.
Nếu khu đô thị phía Đông này hình thành, khả năng sẽ trở thành đô thị loại 1. Vì khu đô thị mới Thủ Thiêm là nòng cốt của quận 2, khu Vingroup tại quận 9, khu Đại học Quốc gia… nhập lại dân số khoảng 1 triệu người, tương đương với TP Đà Nẵng, đông hơn nhiều tỉnh khác.
Nói về tầm nhìn và động lực để phát triển, TPHCM phát triển suốt mấy chục năm qua với tốc độ có thể nói đã đạt ngưỡng bão hòa. Những năm qua TPHCM muốn tăng trưởng GRDP thêm 1% không đơn giản. Do đó TP phải tìm động lực mới vì tốc độ phát triển đang chậm dần.
Trong động lực phát triển mới, TP đã chỉ ra một số nội dung, chính sách đã và sẽ thực hiện trong thời gian tới, như chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đất thương mại dịch vụ; chuyển một số huyện ngoại thành lên quận… Cùng với đó, xây dựng TP phía Đông cũng là một trong những động lực phát triển mới lãnh đạo TPHCM đang hướng tới.
- Nếu TP phía Đông là đô thị loại 1, TPHCM sẽ có thuận lợi gì cho quá trình phát triển thời gian tới, thưa ông?
TP phía Đông trực thuộc TPHCM là bình thường, nhưng nó không bình thường vì là mô hình đầu tiên. Vì thế, để thực hiện mô hình này phải sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương. |
Nó sẽ tạo điều kiện cho các nguồn lực mới để tạo đà phát triển, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Do đó nếu thành lập TP phía Đông sẽ đủ điều kiện là đô thị loại 1, tương đương với TP Biên Hòa. Khi chúng ta nói đến khu đô thị sáng tạo (ĐTST) phía Đông hoàn toàn không tách rời không gian đô thị cũ, về mặt không gian đô thị các khu vực đều có gắn kết với nhau.
Hiện nay TPHCM đang xây dựng đề án khu ĐTST, đây là việc làm cụ thể chính sách TP đã thông qua. TP phía Đông cũng không thể tách rời khu vực trung tâm như quận 1, quận 3, cũng không tách rời các tỉnh lân cận.
Thí dụ, khu Đại học Quốc gia TPHCM trụ sở nằm trên địa bàn Thủ Đức, nhưng phần lớn diện tích còn lại thuộc tỉnh Bình Dương, có nghĩa khu ĐTST có sự đóng góp của tỉnh Bình Dương. Hay Khu chế xuất Linh Trung 1, 2, 3 nối liền với các khu công nghiệp Sóng Thần và Việt-Sing (Bình Dương).
Nói về mặt quy hoạch, rõ ràng không thể thoát ra khỏi không gian năng động của vùng trung tâm Đông Nam bộ, bắt đầu từ Long Khánh qua Dầu Giây (Đồng Nai), kéo dài qua Tân Uyên (Bình Dương) hay Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Bà Rịa- Vũng Tàu...
Với tầm nhìn lâu dài, tôi cho rằng nếu Nhơn Trạch và Long Thành là một phần của TPHCM sẽ tương đồng với sự phát triển của Hà Nội sau khi sắp sếp lại địa giới hành chính. Ngoài ra, trục cảnh quan của TPHCM không chỉ có sông Sài Gòn, còn có cả sông Đồng Nai. Khu ĐTST nên quy hoạch trong phạm vi của 3 quận phía Đông.
Còn về tầm nhìn lâu dài đối với cả nước, với khu vực, nếu có thêm Nhơn Trạch, có thêm sân bay Long Thành, TPHCM thực sự là đầu tàu và thực hiện được Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị “TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM”.
- Khi xuất hiện một thông tin nào đó liên quan đến chính sách, quy hoạch, thường xảy ra tình trạng đầu cơ, làm giá. Ông chia sẻ vấn đề này với nhà đầu tư như thế nào?
- Các cơ quan chức năng đã lường trước vấn đề này và Quốc hội đã quyết định sửa Luật Đất đai, dự kiến sẽ đưa vào chương trình của năm 2021 và có thể đến năm 2022 sẽ thông qua. Luật Đất đai trung bình khoảng 10 năm sẽ được xây dựng lại, nên đến năm 2022 thông qua Luật Đất đai 2013 sửa đổi cũng là hợp lý. Luật Đất đai sửa đổi sẽ chấn chỉnh tình trạng phân lô tràn lan.
Vì thế, ngay trong lúc này, chúng tôi kiến nghị sửa ngay các nghị định thi hành Luật Đất đai hiện hữu, chặt chẽ hơn về khâu thực thi pháp luật của cấp chính quyền cơ sở. Quy luật về giá của thị trường BĐS, bao gồm giá đất ở thị trường sơ cấp, giá nhà ở do chủ đầu tư bán ra, giá nhà ở mua đi bán lại, quy luật giá cả của thị trường BĐS tăng theo thời gian và tăng theo sự phát triển của hạ tầng.
Thí dụ, khu vực quận 9 hơn 10 năm trước giá khá rẻ, nhưng bây giờ đã tiệm cận với quận 2 do hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông được đầu tư nhiều trong thời gian qua, dẫn đến phát triển dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí, y tế giáo dục cũng phát triển theo. Hạ tầng tốt, giao thông tốt sẽ thu hút các nhà đầu tư lớn về, kéo giá lên cao so với trước, như Phú Mỹ Hưng khu Nam là thí dụ cụ thể.
Bây giờ chúng ta phát triển hạ tầng về hướng Long Thành nhưng chưa có đường ra khu dân sinh nhiều, sắp tới khi xây cầu Cát Lái sẽ là đường giao thông hỗn hợp. Nhiều người làm giàu từ sốt đất nhưng nhiều người cũng chết từ sốt đất. Nên kiểm soát giá BĐS là cần thiết, kiểm soát bằng quy hoạch, bằng trật tự xây dựng... Nếu không làm tốt sẽ không đón nhà đầu tư lớn được.
- Xin cảm ơn ông.