Điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực lao động đang “cải lùi”

(ĐTTCO) - Tại cuộc hội thảo về điều kiện kinh doanh (ĐKKD) chuyên ngành trong lĩnh vực lao động do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 4-12, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, thẳng thắn nhận xét, có rất ít ĐKKD trong lĩnh vực lao động được cắt giảm. 
Các cải cách về ĐKKD trong lĩnh vực lao động chủ yếu dưới hình thức giảm mức độ yêu cầu về số lượng nhân sự hoặc giảm yêu cầu về quy mô diện tích của cơ sở vật chất. Trong nhiều trường hợp, các cải cách loại này không có nhiều ý nghĩa. 
Bà Nguyễn Minh Thảo nêu ví dụ, ĐKKD dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với tổ chức huấn luyện, quy định trước khi cắt giảm là “có ít nhất 5 người huấn luyện cơ hữu huấn luyện nội dung chuyên ngành…”. Sau khi cắt giảm, điều kiện là “có ít nhất 4 người huấn luyện cơ hữu huấn luyện nội dung chuyên ngành…”.
Hay như về điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, quy định trước khi cắt giảm là: diện tích phòng học lý thuyết; phòng, xưởng thực hành, thực tập dùng cho giảng dạy, học tập đảm bảo ở mức bình quân ít nhất là 5,5-7,5m2/chỗ học”.
Điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực lao động đang “cải lùi” ảnh 1 Kiểm tra an toàn lao động phải xin phép tới 10 bộ quản lý chuyên ngành
Ảnh: CAO THĂNG
Sau khi cắt giảm, quy định được sửa thành “diện tích phòng học lý thuyết; phòng, xưởng thực hành, thực tập dùng cho giảng dạy, học tập đảm bảo ở mức bình quân ít nhất là 5,5m2/chỗ học. “Tôi không hiểu được lý lẽ và tác dụng của việc cắt giảm như thế”, bà Nguyễn Minh Thảo bình luận. 
Nguyên Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung cũng nhận xét: “Những quy định kiểu bao nhiêu mét vuông như thế không có căn cứ khoa học, thậm chí kìm hãm sự phát triển của xã hội. Trong thời đại 4.0 mà cứ áp như thế thì không thể có được mô hình kinh doanh mới, cách thức kinh doanh mới”. Những công cụ quản lý kiểu này, theo TS Nguyễn Đình Cung, đã quá lỗi thời, trì trệ. Chẳng hạn, các mô hình đào tạo từ xa sẽ bị bác bỏ với các “công cụ quản lý” này, trong khi trên thế giới đang phát triển rất hiệu quả. 
Một điểm đáng lưu ý khác là các ĐKKD trong lĩnh vực lao động thể hiện sự phân chia quyền lực nhà nước. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp hoạt động kiểm định an toàn lao động chỉ phải xin cấp phép tại một đầu mối là Bộ LĐTB-XH, nay phải xin phép tại 10 bộ quản lý chuyên ngành, gồm: LĐTB-XH, Xây dựng, Công thương, NN-PTNT, TT-TT, KH-CN, GTVT, Quốc phòng, Công an, Y tế. Trong nhiều trường hợp, các quy chuẩn, quy trình, biểu mẫu về kiểm định an toàn lao động giống nhau, nhưng các bộ không thừa nhận kết quả của nhau mà vẫn yêu cầu tham gia đào tạo lại để được cấp chứng chỉ. Chi phí đào tạo chính thức mà doanh nghiệp phải trả vào khoảng 10 triệu đồng/người.
Tham dự hội thảo, các chuyên gia khác cũng liệt kê thêm hàng loạt văn bản khác quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành mới được ban hành, nhưng không hợp lý, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn nói: “Kiểm định trước thông quan rất nhiều. Ví dụ như thang máy, thang cuốn có cần thiết phải kiểm tra không, trong khi đó, nó không phải hàng hóa gây ô nhiễm môi trường hay dịch bệnh.
Và chưa được lắp đặt thì kiểm tra cách nào? Lắp đặt xong lại phải kiểm định lần nữa với nội dung trùng lặp. Lẽ ra cần phân chia rõ, hàng nào kiểm tra khi nhập khẩu, xuất xưởng; hàng nào kiểm tra khi lắp đặt, sử dụng”. Hơn nữa, theo ông Đậu Anh Tuấn, nhiều quy chuẩn kỹ thuật, quy trình kiểm định bất hợp lý.
Ví dụ như yêu cầu kiểm tra mặt trong bình khí nén, trong khi không thể “chui” vào bên trong bồn khí gas để kiểm tra mặt trong; hoặc kiểm định điều hòa tổng cho tòa nhà, nếu rút toàn bộ dung môi ra để làm theo quy định thì tòa nhà phải tắt điều hòa, thông gió trong 3-5 ngày, với chi phí rất lớn.

Các tin khác