Điều tiết giá xăng dầu kiểm soát lạm phát

(ĐTTCO)-Sử dụng công cụ chính sách để kiểm soát và ổn định giá xăng dầu trong nước lúc này là cần thiết. Điều này không chỉ góp phần làm giảm gánh nặng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, còn giúp kiềm chế lạm phát trong những tháng cuối năm của nền kinh tế.
Điều tiết giá xăng dầu kiểm soát lạm phát
Nền kinh tế thế giới được dự báo có những bước phục hồi và phát triển. Kết quả cuộc khảo sát được công bố ngày 24-5 của Hiệp hội Kinh tế kinh doanh Quốc gia Mỹ (NABE), cho thấy, các nhà kinh tế đang kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1984, khi quốc gia này cũng vực dậy từ một cuộc suy thoái sâu.
Trước đó, Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của Viện Peterson (PIIE) ngày 1-4, cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đang trên đà tăng trưởng hơn 6% trong năm 2021. Theo báo cáo này, PIIE dự báo khu vực châu Âu sẽ tăng trưởng 4,4% và Anh tăng trưởng 3,8% trong năm nay. PIIE dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,5% trong năm 2021. 
Kinh tế thế giới dần phục hồi trở lại đồng nghĩa với nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu, vật tư, linh phụ kiện và hàng hóa sẽ tăng cao. Đây cũng là nhân tố thúc đẩy lạm phát tăng thêm. Hơn nữa, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới trong thời gian dài vừa qua đã sử dụng các gói hỗ trợ tài khóa rất lớn để kích thích kinh tế.
Điều này sẽ làm giá trị đồng tiền của nhiều quốc gia giảm giá, là nhân tố thúc đẩy lạm phát tăng cao. Trong khi đó, với nền kinh tế mở cửa sâu rộng như Việt Nam, giá nguyên nhiên, vật liệu nhập khẩu sẽ đẩy tỷ lệ lạm phát tăng cao. 
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Chỉ số lạm phát cơ bản bình quân trong 6 tháng tăng 0,87% so với cùng kỳ năm 2020 và mức lạm phát đều thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, đà tăng giá của nhiều nguyên nhiên vật liệu đầu vào của sản xuất từ nay đến cuối năm sẽ tăng theo giá thế giới theo nhu cầu tiêu dùng… Thực tế từ đầu năm tới nay, giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào đều tăng giá khá mạnh.
Phiên giao dịch ngày 28-6 (theo giờ Việt Nam) trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8-2021 đứng ở mức 74,17USD/thùng, dầu Brent có lúc lên sát 76,28USD/thùng, tức tăng trên 70% so với cùng kỳ 2020 và là mức cao nhất kể từ tháng 10-2018. 
Tính riêng trong tháng 5, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng hơn 19% so với tháng 5-2019 (thời điểm trước khi dịch Covid-19 diễn ra), cao hơn rất nhiều so với con số 9,84 triệu thùng/ngày của tháng 4.
Điều này đã gây áp lực lên nhập khẩu nhiên liệu của Việt Nam, khiến nhiều mặt hàng nhập khẩu cho đầu vào của sản xuất trong nước tăng giá mạnh. Giá dầu thô tăng cao tất yếu kéo theo sự tăng giá của xăng dầu trong nước, khiến chi phí sản xuất, vận chuyển của nhiều ngành nghề tăng theo.
Điều này cũng hàm ý để có thể kiểm soát chỉ số CPI ở mức dưới 4% trong năm 2021 như chỉ tiêu của Quốc hội là mục tiêu không dễ dàng.
Trong những tháng còn lại, cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.
Đặc biệt cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa, thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả.
Đối với mặt hàng xăng dầu, theo dõi chặt chẽ diễn biến trên thị trường thế giới để có các biện pháp điều hành thích hợp, tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vận tải vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. 

Các tin khác