Giúp nhau “chữa cháy” đơn hàng
Giám đốc Công ty TNHH XNK May mặc Line Style Nguyễn Văn Chiến (huyện Hóc Môn, TPHCM) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, kế hoạch ký kết đơn hàng gia công cho thời gian tới giảm khoảng 50% so với cùng kỳ, khó khăn bủa vây. Nếu tình hình không cải thiện được vào quý 2, DN có nguy cơ phải đóng cửa. Tuy nhiên, nhờ DN có thâm niên, uy tín trong lĩnh vực gia công hàng xuất khẩu đi Nhật, Mỹ… nên hiện tại vẫn được các DN lớn chia sẻ đơn hàng, cũng như nguyên phụ liệu để tiếp tục duy trì thêm một thời gian nữa.
“Do phụ thuộc chủ yếu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, lại đang bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nhiều đối tác của chúng tôi đã hủy đơn hàng. Dự kiến, sắp tới sẽ đàm phán với những đối tác có nguồn nguyên liệu đến từ các quốc gia khác với giá có thể cao hơn từ 20%-30%. Nhưng do chi phí tăng nên đối tác trả phí gia công cũng rất thấp, chúng tôi sẽ tính toán, nếu vẫn có lợi nhuận dù ít ỏi, mới ký kết hợp tác tiếp để duy trì sản xuất”, ông Nguyễn Văn Chiến chia sẻ.
Nhiều DN trong ngành dệt may trên địa bàn quận 12 cũng cho biết, hiện các DN “đầu đàn” như Công ty TNHH May mặc Thành Đạt đang cố gắng “xé nhỏ” đơn hàng chia đều cho những DN nhỏ hơn có đơn hàng lẫn nguyên phụ liệu để cùng nhau duy trì sản xuất. Tuy nhiên, việc chia sẻ này cũng chỉ kéo dài khoảng 2 tháng tới.
Tình hình cũng tương tự với ngành da giày, túi xách. Hiện trong lĩnh vực này nhiều DN có tỷ lệ nội địa hóa cao như đế giày, vật tư, các chi tiết trang trí đạt 100%, nhưng một số vải đặc chủng như vải dệt kẽ, vải in hoa... vẫn phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Trong khi con đường vận chuyển và nhập khẩu nguyên phụ liệu thiếu hụt, một số DN đã liên kết bắt tay nhau, hỗ trợ nguyên phụ liệu, qua đó có được đơn hàng thay thế từ các đối tác mới là DN FDI, sử dụng 100% nguyên liệu trong nước.
“Khó khăn trong giai đoạn ngắn sắp tới sẽ được giảm nhẹ nhờ nguồn hàng từ DN trong nước thay thế. Hiện chúng tôi cũng chủ động liên hệ với các đối tác khác trong nước để xem xét nguyên liệu tương đương có thể thay thế. Qua đó, cùng bắt tay hỗ trợ nhau, dù lợi nhuận có thể không cao như trước đây nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc”, đại diện một DN da giày ở quận Bình Tân cho biết.
Tạo sức đề kháng đủ mạnh
Mới đây, các hiệp hội ngành hàng đã có những văn bản cầu cứu gửi đến Chính phủ, các bộ ngành, kiến nghị sớm có những giải pháp hỗ trợ phù hợp nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh sa vào kịch bản sụp đổ dây chuyền vì Covid-19. “Trong tình hình này, hầu hết DN đều khó khăn. Do đó, đề nghị có hỗ trợ lãi suất hoặc có các gói vay dài hơn để DN có thể trữ hàng dài hơn, bớt đi những thiếu hụt, thiệt hại”, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa - cao su TPHCM đề nghị.
Sau khi nhận được kiến nghị trên, Chính phủ đã có những chính sách cụ thể như không nới lỏng chính sách tiền tệ, yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, hạ chi phí logictis. Từ chỉ đạo này, hàng loạt ngân hàng thương mại đã có động thái giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ… cho các DN và người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19. Ngoài những hành động nhanh chóng này, các bộ ngành như Bộ Tài chính cũng cần sớm tham mưu thêm những chính sách miễn giảm thuế phí cho đến khi dịch bệnh được công bố chấm dứt, thị trường hồi phục. Nếu cần thiết, nên có chính sách miễn, giảm thuế, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các DN logistics, DN bán lẻ để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, bảo quản hàng hóa, thúc đẩy và tăng cầu nội địa trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch.
Ngoài ra, Bộ Công thương, Bộ KH-ĐT cần sớm nghiên cứu, kịp thời tính toán phương án nhập khẩu nguyên vật liệu từ thị trường khác để hỗ trợ sản xuất trong nước; không để các chuỗi sản xuất gián đoạn hay ngưng trệ vì quá phụ thuộc vào nguồn cung từ thị trường Trung Quốc. Về lâu dài, Chính phủ cần có chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ dài hơi hơn, đặc biệt là nguồn nguyên phụ liệu quan trọng, ảnh hưởng nhiều DN, nhiều ngành. Bên cạnh đó, cần xây dựng một chuỗi cung ứng, kết nối các DN phụ trợ để hỗ trợ sản xuất trong nước, nhất là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh.
Mặt khác, đã đến lúc DN trong nước hiểu rằng, không thể mãi phụ thuộc vào DN phụ trợ Trung Quốc. Đây là cơ hội tốt để xây dựng chuỗi cung ứng ngay tại Việt Nam. Trên nền tảng đó, DN trong nước mới thực thi chiến lược đa dạng hóa thị trường, đối tác nhằm hạn chế việc phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc vài thị trường. Có như vậy, DN trong nước mới có sức đề kháng mạnh mẽ hơn, không bị ảnh hưởng mỗi khi thị trường bên ngoài có biến động.