Doanh nghiệp Việt đón tin vui từ số liệu hàng tồn kho các nhà bán lẻ Mỹ

(ĐTTCO) - Nhiều dấu hiệu cho thấy xuất khẩu của Việt Nam, vốn đã giảm 10% so với cùng kỳ 2022, sẽ phục hồi trong quý IV khi chu kỳ hàng tồn kho tại Mỹ đã chạm đáy.
Xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Mỹ đã tăng trở lại trong tháng 7.
Xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Mỹ đã tăng trở lại trong tháng 7.

Xuất khẩu từ sụt giảm đến hưởng lợi

Theo thống kê, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm khoảng 1/4 tổng giá trị xuất khẩu). Các nhà bán lẻ và các công ty hàng tiêu dùng tại Mỹ như Nike, Lululemon… đã đặt mua nhiều sản phẩm "Made in Vietnam" trong năm ngoái do kỳ vọng về sự phục hồi của kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Thế nhưng, kỳ vọng này đã không xảy ra. Thay vì mua nhiều hàng tiêu dùng hơn, người Mỹ lại ưu tiên chi tiêu cho các dịch vụ như du lịch và ăn uống. Kết quả, cuối năm 2022 lượng hàng tồn kho của các công ty như Walmart, Target và Nike đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

Để giải quyết lượng tồn kho ở mức quá cao, các tập đoàn đa quốc gia đã cắt giảm đơn đặt hàng tại các nhà máy Việt Nam, dẫn đến xuất khẩu của Việt Nam trong 7 tháng năm 2023 sang Mỹ giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các công ty Mỹ đã đẩy mạnh cắt giảm hàng tồn kho từ đầu năm đến nay. Tuần trước, Walmart và Target thông báo lượng tồn kho của họ đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Nỗ lực giảm hàng tồn kho của các công ty Mỹ như Walmart đã giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh vào tháng 7 vừa qua, đạt mức tăng gần 7% so với tháng 6. Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã cải thiện đáng kể, từ mức giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 6, còn 14% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 7. Điều này góp phần làm cho tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam phục hồi, từ mức giảm 12% so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2023, còn giảm 2% trong tháng 7.

Ngoài sự phục hồi xuất khẩu sang thị trường Mỹ do chu kỳ hàng tồn kho đã chạm đáy, Việt Nam cũng đang hưởng lợi từ việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điều này giải thích tại sao xuất khẩu của Việt Nam chỉ giảm 2% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 7, cao hơn nhiều so với mức giảm 15% của Trung Quốc, 16% của Hàn Quốc và 10% của Đài Loan.

Tất cả nhà xuất khẩu tại châu Á đều được hưởng lợi ở mức độ nào đó từ việc chu kỳ hàng tồn kho tại Mỹ chạm đáy, nhưng Việt Nam là quốc gia duy nhất hưởng lợi đáng kể từ việc nhiều nhà máy mới được thành lập. Trong khi đó, dòng vốn FDI vào Trung Quốc đã đạt mức thấp kỷ lục trong quý II vừa qua.

Sự phục hồi mang tính bền vững

Các doanh nghiệp FDI dường như đã sẵn sàng để đẩy mạnh hoạt động sản xuất chuẩn bị cho mùa lễ Giáng sinh. Bằng chứng là lượng hàng tồn kho nguyên liệu đầu vào của các công ty đã tăng lần đầu tiên kể từ cuối năm 2022, và xuất nhập khẩu của Việt Nam đều tăng 2% so với tháng trước trong tháng 7.

Sự sụt giảm đơn đặt hàng xuất khẩu tại Việt Nam được cải thiện, kết hợp với việc sản lượng công nghiệp tăng 4% so với tháng trước trong tháng 7, đã giúp đẩy chỉ số PMI của Việt Nam tăng từ 46,2 trong tháng 6 lên 48,7 trong tháng 7. Hiện các doanh nghiệp đã bắt đầu tăng cường nhập khẩu/mua sắm nguyên liệu đầu vào, dần đẩy mạnh hoạt động sản xuất do kỳ vọng về sự hồi phục đơn đặt hàng xuất khẩu vào cuối năm nay.

Hiện tại, hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là các sản phẩm công nghệ cao (hàng điện tử tiêu dùng và điện thoại thông minh), các sản phẩm may mặc và giày dép, còn lại là các sản phẩm khác như nội thất và nông sản.

Đầu năm nay, doanh số bán hàng toàn cầu của máy tính cá nhân giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng sự sụt giảm doanh số bán hàng đối với mặt hàng máy tính cá nhân và hàng điện tử tiêu dùng đã kết thúc.

Do đó, xuất khẩu các mặt hàng điện tử của Việt Nam đã tăng mạnh, từ mức giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 6, lên mức tăng trưởng 28% trong tháng 7. Đây là yếu tố chính thúc đẩy sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam vào tháng trước và giúp đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lên hơn 30 tỷ USD lần đầu tiên trong năm nay.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới, do đó các đợt ra mắt sản phẩm điện thoại thông minh thế hệ mới có thể tác động lớn đến xuất khẩu và hoạt động sản xuất của Việt Nam (riêng Samsung đã chiếm đến 1/4 tổng giá trị xuất khẩu của cả nước).

Samsung vừa thông báo rằng dù doanh số bán hàng điện thoại thông minh của họ giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý II (cùng xu thế với sự suy giảm toàn cầu trong doanh số bán hàng điện thoại thông minh trong năm nay), họ đang kỳ vọng về sự phục hồi trong nửa cuối năm nay, nhờ vào việc ra mắt các mẫu điện thoại mới - đặc biệt là điện thoại gập.

Trong khi đó, Apple và Google cũng có kế hoạch ra mắt các ra mắt các sản phẩm quan trọng. Tuy những mẫu điện thoại mới này sẽ không được sản xuất tại Việt Nam, nhưng nhiều linh kiện được sử dụng cho các điện thoại mới sẽ được sản xuất tại Việt Nam bởi Foxxconn, Luxshare, Goertek và các nhà cung cấp khác.

Cuối cùng, hàng may mặc và giày dép - chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam - xuất khẩu sang Mỹ có lẽ chưa phục hồi cho đến năm sau, vì tốc độ giảm lượng tồn kho của các nhà bán lẻ tại Mỹ cho các mặt hàng này đang chậm hơn so với sản phẩm điện tử tiêu dùng.

Tuy nhiên, xuất khẩu hàng may mặc sang Hàn Quốc và Nhật Bản đã tăng đột biến khoảng 30% so với tháng trước vào tháng 7, khi nhu cầu đối với sản phẩm thời trang đã phục hồi ở cả 2 quốc gia này, theo khảo sát tâm lý người tiêu dùng nội địa.

Sự phục hồi này nhiều khả năng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam từ dưới 5% trong năm 2023 lên 6,5% trong năm 2024. Điều này cũng sẽ giúp đẩy mạnh tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, tăng từ 6% trong 2023 lên hơn 20% trong 2024, do đó sẽ hỗ trợ VN Index trong những tháng tiếp theo.

Ngoài sự phục hồi xuất khẩu sang thị trường Mỹ do chu kỳ hàng tồn kho đã chạm đáy, Việt Nam cũng đang hưởng lợi từ việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Các tin khác