Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):Tháo gỡ rào cản, phát huy nguồn lực đất đai

(ĐTTCO) - Sáng nay 21-9, Báo SGGP tổ chức tọa đàm “Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực”, với sự tham gia của lãnh đạo Trung ương, các sở ngành TPHCM, chuyên gia, doanh nghiệp, luật sư và người dân bị vướng mắc trong quá trình sử dụng đất.
Quang cảnh tọa đàm “Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực”.
Quang cảnh tọa đàm “Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực”.

Tham dự buổi tọa đàm gồm có ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội; TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia; bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM; lãnh đạo các Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM; cùng nhiều hiệp hội, chuyên gia, doanh nghiệp…

Lấy Luật Đất đai làm gốc nếu các luật có xung đột

Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, dự thảo luật lần này có 16 chương, 237 điều, rất nhiều chương quan trọng. Hiện nay trong quá trình đầu tư xây dựng, các dự án có sử dụng đất có một số nội dung giữa các luật có sự xung đột với nhau. Do đó ông Thắng đề xuất trong quá trình thực thi (Luật Đất đai sửa đổi) nếu có tình trạng chồng chéo với các luật khác thì lấy Luật Đất đai “làm gốc”.

Đại diện Sở TN-MT kiến nghị nhiều nội dung liên quan. Cụ thể, (1) Luật Đất đai cần quy định cụ thể, rõ ràng đối với các nội dung về giao đất, cho thuê đất khi thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất như trên, tránh tình trạng phải vận dụng trong quá trình thực hiện; (2) bổ sung quy định đối với quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT; (3) áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất, Nhà nước thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư bằng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, hoặc cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê…

Quy định về thẩm quyền và trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với cơ sở tôn giáo. Bổ sung khái niệm về chuyển mục đích sử dụng đất. Bổ sung quy định chuyển mục đích sử dụng đất cũng là một quyền của người sử dụng đất nhằm làm rõ các thuật ngữ giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó người sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất được sử dụng đất theo hình thức giao đất hoặc thuê đất.

Kiến nghị bỏ căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, chỉ quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được phê duyệt. Quy định cụ thể đối với việc sử dụng đất của các trường hợp đang sử dụng đất là tổ chức mà khu đất không phù hợp quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch thu hồi đất, hoặc tổ chức chưa di dời (dễ dẫn đến lúng túng trong việc quản lý đất đai kéo theo việc thu tiền thuê đất theo đơn giá không chính thức).

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng: Đối với trường hợp trên 80% người dân đã chấp thuận nhận bồi thường trong các dự án đã được Nhà nước chấp thuận chủ trương, Nhà nước cần có quy định để chủ đầu tư tiếp tục bồi thường phần đất còn lại để dự án sớm được triển khai….

Ảnh minh họa.
TS. Phan Đức Hiếu cho biết có nhiều nội dung cần làm rõ trong Luật Đất dai sửa đổi lần này, như quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện chính sách bồi thường hỗ tái định cư thỏa đáng; phương pháp khung giá đất sát giá thị trường; nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp…

Giải quyết bài toán “hài hòa lợi ích”

Nghị quyết 18-NQ/TW BCH Trung ương Đảng khóa XIII, ban hành ngày 16-6-2022, đặt ra mục tiêu đến năm 2023 hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Ngay sau đó, Bộ TN-MT đã soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Nhằm hưởng ứng chủ trương trên, Báo SGGP đã tổ chức vệt bài “Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực”, và tọa đàm hôm nay cũng nằm trong kế hoạch tuyên truyền này.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết chia sẻ: "Tôi đến dự tọa đàm với tư cách đại biểu, để ghi nhận ý kiến của các chuyên gia. Qua ý kiến của Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, tôi thấy người dân rất quan tâm đến các quy định của pháp luật không chồng chéo với Luật Đất đai.

Giải quyết hài hòa việc người được cấp quyền sử dụng đất với các quy hoạch của Nhà nước phải được tính toán như thế nào?. Sử dụng đất phải hiệu quả và tiết kiệm cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc sửa đổi Luật Đất đai lần này.

Đại diện CTCP Kinh doanh địa ốc Him Lam nêu vướng mắc, sắp tới khi giao đất sẽ có 2 hình thức đấu giá và đấu thầu. Tuy nhiên hiện nay tại TPHCM có nhiều dự án doanh nghiệp đã bồi thường giải phóng mặt bằng 100% nhưng chưa được giao đất chính thức.

Như vậy, với những trường hợp này khi Luật Đất Đai sửa đổi có hiệu lực sẽ “chuyển tiếp” như thế nào, cần có quy định rõ nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.

Báo SGGP mong muốn sẽ là kênh thông tin tiếp tục tiếp nhận và đăng tải ý kiến của chuyên gia, luật sư, người dân… để góp phần vào việc sửa đổi Luật Đất đai đạt hiệu quả. Và với mong muốn cùng với các chuyên gia, doanh nghiệp, người dân đóng góp những ý chung về vấn đề này.
Ông Phạm Trường, Phó Tổng biên tập Báo SGGP

Các tin khác