Sản xuất công nghiệp tiếp tục đóng góp chính cho tăng trưởng trong năm 2020 khi tăng 1%, tương đương gần 1/3 tăng trưởng nguyên năm. Trong khi lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch kéo dài và các biện pháp hạn chế xã hội. Xu hướng này ngược lại so với thời gian trước Covid-19, khi lĩnh vực dịch vụ là động lực tăng trưởng chính.
Năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam tăng 6,4% so với 8,1% năm 2019, nhập khẩu tăng 3,2%, với thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục 19 tỷ USD. 3 sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là điện thoại và linh kiện điện thoại (trị giá 50,9 tỷ USD, giảm 1% so với 2019); máy tính và phụ kiện máy tính (44,7 tỷ USD, tăng 24,3% so với 2019) và dệt may (29,3 tỷ USD, giảm 10,8% so với 2019).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI – lạm phát) năm 2020 là 3,2%. Do vậy Chính phủ tiếp tục đặt mức lạm phát trung bình ở mức 4% vào năm 2021.
Nguyên nhân thành công trong việc tăng trưởng dương không khó để lý giải, đó là việc khống chế sớm và thành công dịch Covid-19 ở trong nước, cho phép các hoạt động kinh tế dần hồi phục tới mức “bình thường” ở Việt Nam, và điều này được phản ánh trong việc cải thiện tiếp theo của hàng loạt các chỉ số được công bố.
Do vậy, Việt Nam rất kỳ vọng xu hướng tăng tiếp tục của các hoạt động kinh tế trong năm 2021, và triển vọng này phụ thuộc rất nhiều vào việc khống chế dịch bệnh trên toàn cầu.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Việt Nam đã đồng ý mua 30 triệu liều vaccine chống Covid-19 của hãng AstraZeneca. Điều này cũng làm mạnh thêm năng lực quốc gia trong việc kiểm soát dịch bệnh ở trong nước.
Ngoài ra, những yếu tố khác thuận lợi cho Việt Nam bao gồm một loạt các hiệp định tự do thương mại giúp đẩy mạnh xuất khẩu và đầu tư: Hiệp định thương mại tự do giữa EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8-2020, Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), và mới nhất là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA).
Bên cạnh đó, nỗ lực hiện tại của Việt Nam trong việc chuyển đổi số và thúc đẩy thương mại, cũng như lực lượng lao động dồi dào và năng động là những nhân tố tích cực đóng góp vào triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021.
Trên toàn cầu, dù vẫn còn nhiều yếu tố gây bất ổn và khó dự báo, song hầu hết tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới đều cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi trong năm 2021. Theo Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), kinh tế toàn cầu được kỳ vọng tăng trưởng 5,2% trong năm 2021.
Trung Quốc là trụ cột chính khi IMF dự phóng nước này đạt tăng trưởng 8,2%, trong khi Mỹ có thể đạt mức tăng trưởng 3,1%. Đối với châu Âu có thể hồi phục 5,2% so với mức âm 8,2% năm 2020.
Hiện Việt Nam đang đặt ra GDP đạt 6% cho năm 2021, mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý sau khi công bố số liệu quý IV-2020 có khả năng sẽ tăng chỉ tiêu tăng trưởng lên 6,5%. Ngân hàng Thế giới cũng dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam là 6,8% trong năm 2021.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm gần nhất (2021-2025), Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình là 6,5-7% mỗi năm.
Chính vì vậy, yếu tố cơ bản nổi bật và có sự đồng thuận cao trong các phân tích của các chuyên gia kinh tế, triển vọng năm 2021 kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc mạnh mẽ. Các ước tính thận trọng nhất của các tổ chức quốc tế cũng đưa ra con số hơn 6% tăng trưởng GDP cho năm tới, trong khi những dự phóng lạc quan nhất dự kiến trên 8%.
Lạc quan là có nhưng đừng quá lạc quan. Chẳng hạn như hiện nay môi trường lãi suất thấp, lạm phát ổn định dưới 4% là điều kiện thuận lợi để thị trường chứng khoán thăng hoa, và nối tiếp là thị trường bất động sản. Nhưng môi trường lãi suất thấp kéo dài luôn để lại những hệ lụy sau đó, và các bong bóng giá tài sản đều hình thành do quá tự tin vào giả định mọi điều kiện thuận lợi ban đầu sẽ không thay đổi.