FDI: Tăng doanh thu, giảm lợi nhuận?

(ĐTTCO) - Hôm nay 22-3, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017. 
FDI: Tăng doanh thu, giảm lợi nhuận?

Trong đó, ngoài phân tích về xu hướng thay đổi các lĩnh vực điều hành cấp tỉnh, báo cáo PCI 2017 có chương riêng đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam dưới con mắt của các doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo nhóm nghiên cứu PCI, nhiều năm qua các DN FDI luôn đóng vai trò trong nền kinh tế Việt Nam. Riêng năm 2017, xuất khẩu của khối DN FDI lên tới hơn 155 tỷ USD, chiếm 73% xuất khẩu của cả nước. Tương tự, giá trị nhập khẩu đạt hơn 126 tỷ USD, chiếm 60% tổng nhập khẩu vào nền kinh tế. Tuy vậy, đầu tư nước ngoài cũng dấy lên những lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách.

Doanh thu năm 2017 của DN FDI đạt 2,43 triệu USD, cao gấp 3 lần năm trước, nhưng đi kèm là chi phí cũng tăng tới hơn 2 triệu USD. Điều này có nghĩa khả năng sinh lời bị ảnh hưởng. Tỷ lệ DN báo lãi giảm xuống còn 54,3% - mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong khi đó, 37,9% DN báo lỗ - cũng là con số kỷ lục mới. 
Một trong những lý giải cho điều này là các DN FDI đang trong giai đoạn mở rộng, đòi hỏi đầu tư nhiều vốn và lao động, nên có thể tạm thời bỏ mục tiêu lợi nhuận trước mắt để kỳ vọng vào tăng trưởng tương lai. Vì thế, dù lãi có giảm nhưng DN FDI vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. Đó là tỷ lệ DN tăng vốn đầu tư năm 2017 là 13,2% (năm 2016 tăng 11%); tỷ lệ DN có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam tăng từ 50% lên 60%. Đây là mức độ lạc quan nhất kể từ năm 2011.
“Tuy nhiên, một điểm ngạc nhiên, tương đồng với DN trong nước là DN FDI cũng có xu hướng nhỏ cả về lao động và vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ DN có ít hơn 5 lao động tăng từ 5,9% tới 7,4% giai đoạn 2016-2017. Các DN có quy mô vốn nhỏ hơn 500 triệu đồng 7,9%; 5,7% DN có vốn từ 500 triệu tới 1 tỷ đồng; 16,7% thành lập với số vốn từ 1-5 tỷ đồng. Xu hướng này có thể là một chỉ báo về sự gia tăng số DN cung cấp dịch vụ hỗ trợ trong khu vực FDI” - nhóm nghiên cứu nhận định.
Về gánh nặng quy định pháp luật, theo báo cáo PCI, các chính sách nhằm giảm bớt gánh nặng quy định sau khi gia nhập thị trường cho các DN đang dần phát huy hiệu quả. Điều đó thể hiện qua việc, tỷ lệ DN FDI phải dành trên 5% quỹ thời gian của lãnh đạo cho việc tìm hiểu và thực hiện các thủ tục hành chính đã giảm từ 72% xuống còn 66%; tỷ lệ DN cho biết bị thanh, kiểm tra quá mức (phải tiếp 8 đoàn mỗi năm) đã giảm từ 4,6% xuống còn 3,4%.
Gánh nặng về thủ tục DN FDI cho là phiền hà, gây tốn kém nhất là thủ tục thuế (28%) và hải quan (29%). Lĩnh vực bảo hiểm từng đứng thứ 2 trong danh mục phiền hà năm 2016 đã có sự cải thiện khi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cắt giảm còn 32 thủ tục hành chính và giảm 54% quy trình, thao tác thực hiện.
Nhiệm kỳ Chính phủ mới, theo cảm nhận chung của các DN FDI là tình trạng chi trả chi phí không chính thức có xu hướng giảm đáng kể. Năm 2015, có đến 59% DN cho rằng cán bộ nhà nước sử dụng việc giám sát tuân thủ các quy định pháp luật ở địa phương để đòi hỏi chi phí không chính thức từ DN.
Con số này đã giảm xuống 50% năm 2016 và còn 45% năm 2017. Tình trạng hối lộ cũng được ghi nhận giảm trong các hoạt động khác: Năm 2016, có 46% DN cho biết đã từng chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra.
Năm 2017, con số DN FDI chia sẻ nhận định này giảm nhẹ xuống còn 45%. Năm 2016, chỉ 56,4% DN thừa nhận có chi trả chi phí không chính thức nêu trên và tỷ lệ này còn 53% năm 2017. Tình trạng chi trả chi phí không chính thức trong lĩnh vực đất đai cũng giảm từ 22,6% năm 2016 còn 17,5% năm 2017. 

Các tin khác