Giá gạo xuất khẩu tăng đẩy giá gạo tại các chợ truyền thống TPHCM 'ăn theo'

(ĐTTCO)-Sau khi giá gạo xuất khẩu tăng, giá gạo ở hầu hết chợ truyền thống ở TP.HCM đều tăng nhưng tại các siêu thị vẫn giữ giá bán gạo ổn định.
Chị Cúc bán gạo ở chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh đang thay bảng mới khi giá đầu vào tăng - Ảnh: Lệ Hằng
Chị Cúc bán gạo ở chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh đang thay bảng mới khi giá đầu vào tăng - Ảnh: Lệ Hằng

Sau khi giá gạo xuất khẩu tăng, giá gạo ở hầu hết chợ truyền thống ở TP.HCM đều tăng. Nguồn cung gạo từ các tỉnh ở ĐBSCL cho các chợ truyền thống ở TP.HCM cũng hạn chế hơn trước. Tuy nhiên, nhiều hệ thống siêu thị, điểm bán hàng bình ổn thị trường, giá gạo vẫn giữ ổn định, thực hiện tốt chương trình bình ổn.

Giá gạo tăng, nguồn cung hạn chế

Tại chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh; chợ Phước Long, TP Thủ Đức, chợ Tân Định, Quận 1, nhiều tiểu thương cho biết khoảng 1 tuần nay, giá gạo các loại đều tăng, từ phân khúc bình dân đến cao cấp. Giá gạo tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg. Chi Loan bán gạo ở chợ Phước Long, TP.Thủ Đức cho biết, gạo ST24, ST25 trước đây chị bán 27.000-28.000 đồng/kg, hiện tại là 30.000 đồng/kg. Còn gạo 504, gạo bụi hồng là loại gạo bình dân được nhiều người lao động, quán cơm và bếp ăn tập thể mua nhiều, trước đây giá gạo từ 14.000-15.000 đồng/kg, giờ giá bán 16.000-17.000 đồng kg.

“Gạo gì cũng lên giá, ngay cả gạo tẻ thường trước đây không lên giá, nhưng giờ cũng lên. Giá gạo mỗi ngày mỗi giá, mình đặt hàng họ nói giá gạo tăng nên cũng không có hàng khi nào có mới giao hàng”, chị Loan nêu thực tế.

Giá gạo tăng nên một số người mua nhiều hơn trước để dự trữ, trước đây mỗi lần họ mua khoảng 10kg-20kg dùng cho 1 tháng, thì hiện nay mua 40-50kg. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương ở TP.HCM cho biết, nguồn cung gạo từ các tỉnh ĐBSCL cho TP.HCM hạn chế hơn trước. Trước đây, họ đặt gạo ngày hôm trước hôm sau đã có hàng, số lượng bao nhiêu cũng có, nhưng giờ muốn mua nhiều cũng khó.

Chị Cúc bán gạo ở chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh cho biết, giá gạo tăng nhưng tiểu thương đặt hàng 3-4 ngày mới có mà số lượng cũng ít. “Giá gạo tăng không theo quy luật nên không dám mua nhiều, nếu muốn mua nhiều để trữ cũng không có. Ví dụ mình mua 500 kg họ chỉ giao 100-200kg, không lấy thì thôi, nếu không lấy sẽ không có hàng để bán và từ khi đặt hàng đến mấy ngày sau mới có gạo”, chị Cúc phân trần.

Hệ thống siêu thị vẫn giữ giá gạo ổn định

Khác với chợ truyền thống, hiện nay nhiều siêu thị ở TP.HCM vẫn giữ giá bán gạo ổn định. Đại diện SaiGon - Coop cho biết, nguồn cung và giá cả các mặt hàng gạo tại hệ thống siêu thị và các điểm bán của DN này vẫn ổn định. Gạo là mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường của thành phố, vì vậy hệ thống siêu thị và 800 điểm bán của Saigon Co.op không chỉ giữ giá bán gạo ổn định mà đang có nhiều chương trình khuyến mãi. Lượng gạo dự trữ hàng tháng của Saigon Co.op là khoảng 1.270 tấn đã tăng lên 1.800 tấn trong 3 tháng Tết năm 2024. Trong thời gian tới, dù thị trường có biến động, Saigon Co.op và các nhà cung cấp vẫn phối hợp giữ, giảm giá để thiết thực chia sẻ với người tiêu dùng.

Giá gạo ở chợ truyền thống tăng, nhiều người tiêu dùng mua gạo ở các kênh bán hàng bình ổn giá ở siêu thị

Tại MM Mega Martket - siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài, trước biến động giá gạo, phía siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp gạo. Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Makerting MM Mega Martket cho biết, nhiều nhà cung cấp gạo thông báo sẽ tăng giá gạo từ tuần thứ 3 của tháng 8 này với mức tăng giá từ 5%-20%. Để tiếp tục giữ giá bán gạo ổn định, siêu thị sẽ chuyển sang đặt hàng những nhà cung cấp khác có giá ổn định và tăng thêm số lượng gạo dự trữ từ 20-30% theo yêu cầu của Sở Công thương TP.HCM.

“Để đảm bảo nguồn cung gạo dự trữ dồi dào, siêu thị đang dịch chuyển đơn đặt hàng qua nhà cung cấp gạo, chủ yếu là đặt hàng qua các đơn vị bình ổn thị trường, họ giữ giá gạo bán cho khách hàng không tăng giá. Đồng thời, siêu thị tăng thêm nguồn gạo dự trữ theo yêu cầu của Sở Công Thương thành phố mới đây”, ông Khôi cho biết thêm.

Hiện nay, giá gạo ở các chợ truyền thống TP.HCM tăng, tuy nhiên đây là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thuộc Chương trình Bình ổn thị trường của thành phố, nên vẫn được tiêu thụ với giá bán ổn định tại kênh bán hàng bình ổn thị trường, đáp ứng tốt nguồn cung cho người tiêu dùng.

Các tin khác