Áp lực an ninh lương thực
Mùa vụ 2023-2024 ghi nhận là mùa vụ thứ 3 liên tiếp có sản lượng gạo thiếu hụt so với nhu cầu tiêu thụ. Điều kỳ lạ là thế giới chưa từng có mùa vụ nào thiếu hụt sản lượng gạo kể từ năm 2006 cho tới năm 2021. Bởi với trình độ cải tiến năng suất và năng lực sản xuất ngày nay đã tiến bộ hơn nhiều so với trước đây.
Trong khi tốc độ tăng trưởng dân số toàn cầu đang giảm dần. Tốc độ tăng trưởng dân số thế giới hiện tại trung bình chỉ khoảng 0,8-0,9% mỗi năm, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng dân số cách đây 10 năm là khoảng 1,3% mỗi năm.
Theo báo cáo đầu tháng 4 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng lúa mì toàn cầu niên vụ 2023-2024 thiếu hụt khoảng 12,6 triệu tấn so với nhu cầu tiêu thụ. Và đây cũng là mùa vụ thứ 4 liên tiếp chứng kiến cán cân cung-cầu thâm hụt trên thị trường lúa mì.
Với việc cả lúa gạo và lúa mì đều có tăng trưởng sản lượng không theo kịp nhu cầu tiêu thụ, thế giới dường như chưa thể lơ là với chủ đề “an ninh lương thực”, bởi tổng sản lượng lúa gạo và lúa mì chiếm 57% trong tổng sản lượng ngũ cốc toàn cầu. Trong khi vấn đề biến đổi khí hậu đang là đề tài quan trọng trong các cuộc thảo luận toàn cầu và cũng là nguyên nhân chính của các cuộc cách mạng “xanh” đang diễn ra hiện nay.
Diện tích gieo trồng thấp hơn hoặc yếu tố thời tiết bất lợi ở một số quốc gia và rủi ro địa chính trị đã góp phần đáng kể vào xu hướng tăng của giá lúa mì trong 2 tháng vừa qua. Tỷ lệ diện tích lúa mì mùa Đông của Mỹ (sản lượng đứng thứ 4 thế giới) gặp hạn hán đã tăng vào tuần trước, lên mức 30%.
Con số này tăng từ 24% vào ngày 16-4 và 17% vào cuối tháng 3, mặc dù vẫn còn thấp hơn mức 51% của năm ngoái. Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) đã cắt giảm dự báo về vụ lúa mì năm 2024 (không bao gồm lúa mì cứng Durum) thêm 0,6 triệu tấn xuống còn 120,2 triệu tấn do diện tích thấp hơn.
EC cũng điều chỉnh giảm dự báo sản lượng lúa mạch của khu vực xuống còn 53,6 triệu tấn do việc trì hoãn gieo trồng làm giảm diện tích. Con số của USDA đưa ra thậm chí còn tiêu cực hơn, với sản lượng lúa mì của châu Âu mùa vụ 2024-2025 được dự báo giảm 4% so với mùa vụ trước. Trong khi đó giữa tháng 4, tên lửa của Nga đã phá hủy các cơ sở lưu trữ ngũ cốc tại Pivdennyi (Ucraina) làm dấy lên lo ngại về gián đoạn chuỗi cung ứng.
Dự báo mùa vụ 2024-2025
Hội đồng Ngũ cốc quốc tế (IGC) trong báo cáo tháng 4 đã điều chỉnh giảm khoảng 1,1 triệu tấn so với báo cáo hồi tháng 3 đối con số sản lượng lúa mì toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 xuống còn 797,7 triệu tấn. Với sản lượng này, cho thấy mức tăng trưởng chỉ khiêm tốn 1,1% so với mùa vụ trước.
Theo tính toán, với quy mô dân số thế giới hiện tại thì nhu cầu tiêu thụ lúa mì dự kiến lớn hơn 800 triệu tấn. Có thể thấy trước nguy cơ cán cân cung-cầu lúa mì thâm hụt 5 năm liên tiếp. Bên cạnh đó, IGC cũng điều chỉnh giảm 3,6 triệu tấn tồn kho cuối mùa vụ 2023-2024 so với số liệu hồi tháng 3.
Đây là mùa vụ giảm tồn kho lần thứ 4 liên tiếp, xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua. Nếu không tính tới Trung Quốc, đó là mức tồn kho thấp nhất trong vòng 11 năm.
Như vậy, cùng với sản lượng được điều chỉnh giảm, nguồn cung lúa mì toàn cầu sẵn có (bao gồm tồn kho cuối vụ trước và sản lượng mới) trong niên vụ 2024-2025 đã giảm 4,7 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 3, xuống còn 1,06 tỷ tấn. Điều tích cực đối với vấn đề an ninh lương thực là mặc dù sản lượng đang không theo kịp nhu cầu của tốc độ tăng trưởng dân số (ngay cả khi tốc độ tăng trưởng dân số đã chậm đi sau 10 năm qua), nhưng may mắn là thế giới vẫn còn lượng tồn kho dự trữ của mùa vụ trước.
Cụ thể, IGC dự báo nhu cầu tiêu thụ mùa vụ 2024-2025 khoảng 802 triệu tấn, qua đó lượng tồn kho cuối mùa vụ 2024-2025 còn khoảng 259 triệu tấn, thấp hơn khoảng 4,9 triệu tấn so với tồn kho cuối vụ 2023-2024. Tỷ lệ tồn kho cuối vụ 2024-2025 khoảng 32,3% so với tổng nhu cầu tiêu thụ.
Ở góc nhìn tích cực đối với vấn đề an ninh lương thực thì mặc dù dự kiến sẽ thâm hụt 5 mùa vụ liên tiếp, nhưng lượng tồn kho lúa mì cuối mùa vụ vẫn đủ đáp ứng gần 4 tháng đối với nhu cầu tiêu thụ của thế giới (với giả định có phần không tưởng rằng: không có thêm lúa mì thu hoạch mới). Giả định đó mặc dù có vẻ không cần thiết, nhưng nó cung cấp góc nhìn rằng thế giới đã tiến bộ rất xa về năng lực sản xuất so với thời kỳ của những nạn đói trong lịch sử.
Điều quan trọng là mặc dù rất khó xảy ra mất an ninh lương thực toàn cầu theo đúng nghĩa, nhưng nó có thể xảy ra cục bộ ở một vài khu vực do sự phân công năng lực sản xuất theo ưu thế về địa lý và thổ nhưỡng. Thêm vào nữa, xu hướng giá cả tất yếu tăng lên, bởi giá lúa mì và các loại nông sản có đặc điểm tương quan nghịch với tỷ lệ tồn kho trên nhu cầu tiêu thụ.