“Giải cứu nông sản” cần căn cơ

(ĐTTCO) - Không ít doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực thu mua trái cây hỗ trợ nông dân qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Nhiều giải pháp được các DN đề xuất, nhằm cải thiện tình hình giải cứu nông sản tự phát. 

Cân đối giữa xuất tươi và chế biến

Chuyến khảo sát vùng trồng thanh long ở Tiền Giang và Long An mới đây của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho thấy, những hợp tác xã hay nông dân trồng trái cây theo hợp đồng với DN đều được mua với giá ký kết, như trường hợp Công ty Vina T&T vẫn mua sầu riêng, thanh long cho nhà vườn tỉnh Tiền Giang. Phương án của công ty này là đưa vào hệ thống bán lẻ trái cây tại siêu thị với giá không lãi, đồng thời tiến hành trữ đông tại 5 kho lạnh, chờ dịch Covid-19 ổn định.

“Giải cứu nông sản” cần căn cơ ảnh 1Nông sản trồng trong nước bán tại siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG

Để góp phần giải quyết đầu ra, Vina T&T thu mua trữ đông với lượng hàng gấp 8-9 lần so với thời điểm này hàng năm. Điều khó khăn hiện nay là các kho lạnh của công ty đã đầy, phải thuê thêm kho của các DN khác mới có thể thu mua tiếp cho nông dân. Chi phí thuê container lạnh để chứa hàng tăng gấp đôi so với thời điểm trước đó: 8-9 triệu đồng/tháng. Chưa kể chi phí điện sử dụng khoảng 1 triệu đồng/ngày. 


Công ty Lavifood (Long An) những ngày qua cũng mua hơn 1.000 tấn thanh long trong dân với giá cao hơn thị trường 5.000 đồng/kg để dự trữ chế biến nước thanh long đóng lon, chuẩn bị tung ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đó là hình mẫu trong việc liên kết giữa nhà nông với DN, hạn chế rủi ro cho nông dân; cũng như cho thấy sự cần thiết của việc cân đối giữa xuất khẩu tươi và chế biến nông sản, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, giúp giải quyết tình trạng dư thừa một loại nông sản nào đó vào vụ thu hoạch rộ. Những mô hình liên kết này khi được mở rộng, sẽ đồng nghĩa với tình hình “giải cứu” tự phát giảm dần xuống.

“Giải cứu nông sản” cần căn cơ ảnh 2Chế biến trái thanh long dạng nước đóng lon của Công ty Lavifood ở Long An

  Ông Đặng Ngọc Cẩn, Tổng giám đốc Lavifood, cho rằng cái khó lớn nhất của DN hiện nay là vốn để mua nông sản và kho bãi chứa nguyên liệu. Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), để đáp ứng nhu cầu tài chính phát sinh, nhất là trong bối cảnh “giải cứu”, Nhà nước cần có chính sách riêng nhằm hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực này.

Nhất là với các DN đầu ngành, liên kết vùng nguyên liệu, cần được vay vốn ưu đãi phát triển nhà máy, kho bãi, hệ thống logistics để phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, thích ứng với mọi biến đổi của thị trường. Nhà nước cần có chính sách khả thi, tạo điều kiện có thêm nhiều DN tham gia vào việc liên kết vùng nguyên liệu về một loại nông sản nào đó, không chỉ để xuất khẩu mà còn để tiêu thụ trong nước. Đồng thời quản lý chặt, không để các thương nhân Trung Quốc tùy tiện vào các vùng nguyên liệu lập trạm thu mua, cạnh tranh với DN trong nước, nhưng khi sản phẩm dư thừa thì “bỏ chạy”.


Hình thành trung tâm phân phối 

Lãnh đạo tỉnh Long An kiến nghị Bộ NN-PTNT xúc tiến thành lập trung tâm phân phối nông sản tại thị trường Trung Quốc, làm đầu mối giao dịch với DN trong nước nhằm hạn chế rủi ro; chủ trì phương án liên kết các tỉnh (trước mắt là 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Bình Thuận) về rải vụ trái thanh long, để tránh sản lượng ồ ạt. Có thể nói, đây là đề xuất đáng chú ý. 

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit - doanh nhân nhiều kinh nghiệm về chế biến và xuất khẩu nông sản, cho biết việc thành lập trung tâm phân phối nông sản ở Đài Loan hay ở Mỹ đã xuất hiện từ lâu. Nhưng trước hết, các trung tâm phân phối này hình thành tại các vùng nguyên liệu tập trung. Những trung tâm này được đầu tư bài bản về hệ thống logistics nhằm tạo điều kiện dễ dàng trong việc thu mua, bảo quản, vận chuyển. Đây sẽ là nơi để phân loại nông sản, sơ chế, đóng gói hay đưa vào các kho lạnh dự trữ.

Các trung tâm này thường do hiệp hội ngành hàng, hội nông dân, hay doanh nghiệp đứng ra tổ chức, có sự giám sát của chính quyền tại chỗ hoặc các ngành chức năng nhằm loại trừ tình trạng “lợi ích nhóm” chi phối, hay phân xử giữa người trồng với nơi thu mua khi xảy ra tình trạng mâu thuẫn về giá. Trong đó, ngành nông nghiệp có trách nhiệm tổ chức người nông dân, thông qua các hợp tác xã để sản xuất một loại nông sản nào đó theo đúng quy trình kỹ thuật canh tác, đảm bảo những yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc. Khi cần “giải cứu”, các DN đến đây mua về chế biến hay dự trữ. 

Các bộ, ngành cũng nỗ lực trong đàm phán để nhanh chóng đưa trái cây, nông sản Việt vào những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, các nước EU, New Zealand, Chile... Nhờ đó, số lượng và chủng loại trái cây xuất khẩu không ngừng được tăng lên (thanh long, nhãn, xoài, vú sữa, vải... ).

Nhưng thời gian cho việc mở cửa một thị trường hay một loại trái cây nào đó phải mất 2-3 năm, thậm chí 5-7 năm, vì những thủ tục và điều kiện như: hình thành vùng nguyên liệu được chứng nhận mã code, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, đầu tư dây chuyền xử lý trái cây...

Bất lợi của những thị trường này là quá xa, việc vận chuyển bằng tàu mất nhiều thời gian nên chất lượng rau quả dễ bị giảm; còn vận chuyển bằng máy bay thì chi phí tăng lên. Trong khi đó, Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ khổng lồ và cũng đang siết chặt chất lượng, yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, bên cạnh việc đa dạng hóa thị trường, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam trong thời gian tới. Điều cần thay đổi là nhanh chóng thích ứng trước những đòi hỏi về chất lượng và vệ sinh thực phẩm của thị trường này.

Các tin khác