Trao đổi với ĐTTC về những lợi ích của việc TTKDTM mang lại, TS. BÙI QUANG TÍN, Trường Đại học NH TPHCM, nhấn mạnh để hình thành thói quen TTKDTM, trước tiên cần giảm thuế, phí để kích thích thanh toán thẻ.
PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá như thế nào về thực trạng TTKDTM tại Việt Nam và liệu đến năm 2020 có thể đạt được mục tiêu tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% như Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã đề ra?
TS. BÙI QUANG TÍN: - Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ đã được cải thiện, số lượng ATM và POS có tốc độ tăng trưởng nhanh. Bên cạnh việc phát triển số lượng thẻ, chất lượng dịch vụ cũng đang ngày càng được hoàn thiện, phần lớn đều đã liên kết với các tổ chức như trường học, hãng taxi, hãng hàng không, siêu thị… trong thanh toán.
Tuy nhiên, hầu hết người dân Việt Nam vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt, khi có đến 90% các giao dịch bằng thẻ đơn thuần chỉ là rút tiền tại máy ATM, chỉ 10% còn lại là dùng để thanh toán qua máy POS. Đây là một nghịch lý, bởi phát hành thẻ phải song hành phát triển hạ tầng thanh toán rộng khắp, không phải là cuộc đua gia tăng thị phần thẻ và thực hiện mục đích rút tiền mặt.
Để khuyến khích thanh toán qua thẻ, NH cần phải giảm các loại phí như phí phát hành, phí quản lý tài khoản thẻ, phí cấp mã số PIN, phí rút tiền mặt, phí chuyển khoản, phí tra soát, khiếu nại… và lãi phạt chậm thanh toán. |
Nhiều người vẫn tham gia giao dịch bằng tiền mặt một phần vì thói quen, phần khác vì chưa tin tưởng vào độ an toàn của giao dịch và chất lượng của hàng hóa, dịch vụ. Gần đây, liên tiếp các vụ chủ thẻ, chủ tài khoản bị mất tiền càng làm cho người sử dụng lo lắng khi thanh toán hàng hóa qua mạng. Ngoài ra do khả năng họ chưa biết đến những tiện ích có thể thanh toán khi không dùng tiền mặt.
Xin nêu vài con số: Về tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán, từ năm 2011 đến nay, mức sử dụng tiền mặt dao động trong khoảng 11-13%. Dù vậy tính theo giá trị tuyệt đối lượng tiền mặt đang lưu thông đã tăng hơn gấp 2 lần. Tính đến tháng 10-2016, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đang ở mức 11,5%.
Nếu xét trong một giai đoạn dài, tỷ lệ này đã giảm từ 23,7% vào năm 2001 xuống còn 14,02% năm 2010 và xuống 11,5% như hiện nay. Do đó, để thúc đẩy TTKDTM, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Tôi cho rằng tỷ lệ này hoàn toàn có thể đạt được.
- Đối với cá nhân và xã hội, khi không thanh toán bằng thẻ sẽ có những thiệt thòi gì, thưa ông?
- Tại Việt Nam, việc dùng tiền mặt đã trở thành thói quen và gần gũi với người dân. Văn hóa này xuất phát từ việc truyền thống nông nghiệp rất lâu đời. Nhiều vùng nông thôn hiện nay vẫn chưa cập nhật kịp thời các thông tin, tính ưu việt của việc dùng thẻ thanh toán. Đồng thời, lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Việt Nam vẫn còn nhiều đơn vị nhỏ lẻ ngại đầu tư hạ tầng cho phương thức thanh toán hiện đại do sợ phát sinh chi phí, rủi ro nhiều. Hơn nữa, còn có nhiều rào cản khiến người dân và DN ngại thanh toán bằng thẻ.
Cần phải khẳng định rằng nếu không thanh toán bằng thẻ sẽ có nhiều thiệt thòi. Đối với cá nhân, dùng tiền mặt gây mất thời gian thanh toán, kiểm đếm, không an toàn, ít được hưởng các chương trình giảm giá của các đơn vị bán lẻ. Khi dùng tiền mặt, mỗi người phải quản lý chi tiêu và việc kinh doanh theo hình thức truyền thống ghi chép chi tiết chi tiêu hay việc mua bán. Còn đối với xã hội, khi các giao dịch diễn ra không nhanh chóng dẫn đến nhiều rủi ro và tăng chi phí trung gian như in tiền, kiểm đếm.
Nếu thanh toán dùng tiền mặt kéo dài sẽ không theo kịp với xu hướng phát triển của thế giới hiện đang bước vào công nghệ 4.0 và đi ngược lại với các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã và sẽ ký kết, theo đó sẽ khó hội nhập và phát triển kinh tế.
- Có ý kiến cho rằng vướng mắc của việc triển khai TTKDTM không chỉ do thói quen của người dân hay do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu, còn do nhiều cá nhân, đơn vị lo ngại phải minh bạch thông tin tài chính khi giao dịch thông qua NH. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Đúng là một số cá nhân, DN ngại minh bạch thông tin tài chính vì NH luôn lưu lại lịch sử giao dịch của DN và cá nhân. Theo đó, cơ quan thuế quản lý được doanh thu này của DN, xác định được chi phí đầu vào, doanh thu bán hàng để xác định thuế giá trị gia tăng phải đóng và thuế thu nhập DN nên DN sẽ khó trốn thuế, tham nhũng, hối lộ hay thao túng giá làm lũng đoạn thị trường.
Nhưng cũng có một phần không đúng là nhiều cá nhân, DN, cá nhân kinh doanh tốt mong muốn được minh bạch thông tin nhằm giúp họ khẳng định vị trí, gia tăng thương hiệu, dễ dàng kinh doanh, tăng giá cổ phiếu… Sở dĩ đến nay chúng ta vẫn loay hoay chưa làm được vì hệ thống pháp luật vẫn cần tiếp tục hoàn thiện, hệ thống thanh toán cần tăng cường an toàn, bảo mật, tiện ích.
- Theo ông, để khuyến khích người dân dùng thẻ cần phải có giải pháp nào?
- Để khuyến khích thanh toán qua thẻ cần gia tăng tính bảo mật vì khách hàng dễ bị hacker tấn công khi giao dịch hay khách hàng rút tiền tại máy ATM bị theo dõi; nâng cao công nghệ thẻ như dùng thẻ chip, phần mềm quản lý thẻ hiện đại, máy ATM, POS an toàn cao.
Song song đó, cơ quan nhà nước cần giảm các mức thuế, lệ phí, phí khi người dân dùng thẻ để thanh toán, xử lý nhanh chóng và hiệu quả khi điều tra các vụ án liên quan đến mất tiền từ tài khoản thanh toán, có cơ chế và thực thi cơ chế tốt để phát triển TTKDTM, hỗ trợ NH và khách hàng giao dịch an toàn, nâng cao công nghệ chung cho toàn hệ thống NH.
- Xin cảm ơn ông.