Giữ gìn không gian dòng sông

(ĐTTCO) - Năm 2022 đã khép lại, cũng là lần đầu tiên sau khoảng 10 năm, vùng đầu nguồn sông Cửu Long đón đợt lũ vượt báo động 1. Theo đó, nguồn nước ngọt từ sông Mê Kông đổ về có cải thiện hơn.
Cần khôi phục không gian để dòng sông Hậu luôn đảm bảo nguồn cung nước ngọt cho vùng hạ lưu Cửu Long.
Cần khôi phục không gian để dòng sông Hậu luôn đảm bảo nguồn cung nước ngọt cho vùng hạ lưu Cửu Long.

Tuy nhiên, nước mặn sau đó cũng nhanh chóng xâm nhập vào đồng bằng trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Do đó, cần gìn giữ nguồn nước ngọt không chỉ là mạch sống cho vùng trồng lúa, trồng cây ăn trái mà còn là nguồn nước quý giá cho người dân vùng ven biển châu thổ miền Tây.

Các nhà khoa học đã chỉ ra, lâu nay hạ nguồn sông Mê Kông có 3 túi nước để cân bằng một phần sinh thái. Đó là hồ Tonle Sap (Campuchia), khu vực Đồng Tháp Mười (khoảng 700.000ha) và Tứ giác Long Xuyên (590.000ha). 3 túi nước này điều hòa nước cho ĐBSCL.

Chỉ có điều, khi An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp quá lạm dụng đê bao khép kín để sản xuất lúa 3 vụ/năm đã làm mất đi một phần không gian 2 túi chứa nước ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Thậm chí có người nói: Hệ lụy của đê bao khép kín làm nông dân “thèm lũ - thèm nước ngọt đổ về từ dòng Mê Kông”.

Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đã nhấn mạnh: “Xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội.

Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác trong vùng”.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai tại ĐBSCL diễn biến nhanh hơn dự báo, khó lường. Tình hình sạt lở tiếp tục xảy ra, trong khi khả năng ứng phó của địa phương hạn chế.

Đối mặt với thách thức chung của ĐBSCL từ các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở phía thượng nguồn, đặc biệt là các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, việc thiếu hụt nguồn phù sa về đồng bằng và vấn đề suy giảm nguồn tài nguyên nước. “Để tăng cường sức chống chịu của ĐBSCL, cần khôi phục không gian của dòng sông, để nước ngọt có thể vào lại ruộng đồng.

Ngay bây giờ nên bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ lúa (lúa vụ 3 hay còn gọi là lúa thu-đông) trong mùa lũ ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Bớt nhu cầu đê bao khép kín để nước có thể vào ruộng vườn, mùa khô đồng bằng sẽ bớt khô hạn và xâm nhập mặn sâu” - Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái đề xuất.

Lâu nay, nước mặn chỉ lấn sâu vào vùng ven biển vào mùa khô kiệt. Tuy nhiên, cách đây khoảng 14 năm (năm 2009), ít ai nghĩ nước mặn sẽ lấn sâu vào kinh xáng Xà No (Hậu Giang) làm đảo lộn cuộc sống của khoảng 8.000 người dân ở TP Vị Thanh.

Không chỉ gây ra khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, người dân còn bị điêu đứng vì thiếu nước ngọt sinh hoạt. Vì vậy, việc sẵn sàng các phương án, kết nối đa dạng nguồn cung cấp nước ngọt từ sông Hậu cho người dân trong hiện tại và tương lai rất cần thiết để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các tin khác