Gỡ nút thắt thể chế doanh nghiệp mới dám lớn

(ĐTTCO) - Trong cuộc trò chuyện với ĐTTC nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng phải gỡ được các nút thắt về thể chế đang làm doanh nghiệp tư nhân (DNTN) sợ lớn, không muốn lớn và có muốn lớn cũng không lớn được.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nghiệp doanh nhân tiêu biểu năm 2021. Ảnh: V.Chung
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nghiệp doanh nhân tiêu biểu năm 2021. Ảnh: V.Chung
PHÓNG VIÊN: - Nhìn lại chặng đường phát triển của lực lượng DN và khu vực DNTN, những dấu mốc thời gian nào đánh dấu sự thay đổi đặc biệt? 
TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG: - Nói về những thay đổi căn bản về chủ trương, chính sách và vị thế của DNTN, trước Đổi mới (năm 1986) lực lượng này không được thừa nhận về pháp lý. Đến năm 1990, DNTN được thừa nhận về pháp lý, và những DNTN đầu tư đầu tiên được thành lập, thế hệ doanh nhân đầu tiên xuất hiện. Từ đó DNTN luôn là một thành phần trong nền kinh tế đa thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Từ 1990-1999, DNTN được quyền làm những gì cơ quan nhà nước cho phép. Từ năm 2000, DNTN được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm.
Năm 2001, DNTN được thừa nhận là bộ phận cấu thành không thể thiếu của nền kinh tế. Năm 2006, đảng viên được quyền làm kinh tế tư nhân (KTTN). 
Năm 2013, lần đầu tiên, cụm từ “doanh nhân” đã được xuất hiện trong Hiến pháp 2013. Năm 2014, nguyên tắc cấm kinh doanh, danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cũng được quy định rõ ràng và cụ thể hơn.
Đến năm 2017, Đảng xác định xây dựng KTTN dần trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Và lúc này đã có bước nhảy vọt về quyền tự do kinh doanh của DN, của người dân.
Đến nay, KTTN đã phát triển vượt bậc và đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với đất nước và đang là động lực quan trọng của nền kinh tế. 
- Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng, nhưng sao đến nay hơn 90% vẫn là DNNVV, thưa ông? 
-  Tuy đã phát triển vượt bậc, nhưng khu vực KTTN chỉ nhiều về số lượng, hạn chế về chất lượng. Năng lực nghiên cứu, phát triển và trình độ khoa học công nghệ, cách thức quản lý, năng lực cạnh tranh, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế còn rất hạn chế, chưa tận dụng tốt các cơ hội từ nền kinh tế mở và các hiệp định thương mại tự do… 
Nguyên nhân do còn nhiều rào cản. Đó là nhận thức và thay đổi tư duy về vai trò của KTTN khá chậm, chưa phản ánh đúng thực tế khách quan. Trong khi đó sự thay đổi và phát triển nhanh vượt xa khuôn khổ tư duy, cách thức, công cụ và năng lực quản lý nhà nước (vẫn thiên về tiền kiểm và kiểm soát).
Những điều đó gây không ít rủi ro kinh doanh và hạn chế đáng kể đối với phát triển KTTN nói riêng, nền kinh tế nói chung.
Cũng vì thế, đại đa số DN không lớn lên được hoặc không muốn lớn, nên số DN quy mô lớn rất ít và thiếu đội ngũ DN quy mô vừa. Cũng phải nói, năng lực vận động chính sách của khu vực tư nhân còn thấp kém,  thụ động chờ đợi hơn là chủ động tham gia quá trình làm chính sách, vận động và yêu cầu công chức, cơ quan nhà nước phải thay đổi để thúc đẩy phát triển và bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của cộng đồng DN.
- Nói như vậy KTTN đang đối mặt với rủi ro, thách thức?
- Trước hết, phải nói nhận thức xã hội về KTTN, DNTN vẫn còn thiên kiến và có phần sai lệch. Nhiều ý kiến coi tư nhân là làm giàu chủ yếu từ đất, nhờ quan hệ thân hữu; lừa lọc và kinh doanh phi pháp, cạnh tranh không lành mạnh…
Quản lý nhà nước vẫn thiên về kiểm soát, nên có xu hướng ban hành nhiều quy định; tình trạng “rừng luật và luật rừng” đang đẩy DNTN rơi vào tình trạng “không thể không vi phạm pháp luật khi kinh doanh", nên đối mặt với quá nhiều rủi ro thể chế; DN quy mô càng lớn, kinh doanh càng đa ngành, nguy cơ rủi ro càng lớn.
Bên cạnh đó còn có cả rủi ro truyền thông kết hợp với rủi ro thể chế, gây thiệt hại quá lớn cho các DN liên quan. Thiệt hại có thể đến mức biến một DN, một sản nghiệp tốt đến bờ vực phá sản. Các rủi ro và bất định nói trên làm DNTN không muốn lớn.
Đã vậy, tiếp cận nguồn lực không công bằng là hệ quả của cơ chế xin-cho trong phân bố nguồn lực; thậm chí không thể tiếp cận được nguồn lực cần thiết để đầu tư phát triển. DNNVV hầu như không tiếp cận được tín dụng để đầu tư cũng như không thể tiếp cận được với quyền sử dụng đất.
Các công cụ, chính sách hỗ trợ DNNVV hầu như không có hiệu lực. Những hạn chế về vốn, trình độ công nghệ, năng lực quản trị… đã làm nhiều DN công nghiệp chế biến không chọc thủng được “trần chế biến thô” để đạt lên nấc thang phát triển cao hơn; mở ra tiềm năng phát triển mới. Những điều nói trên làm các DN muốn lớn cũng không thể lớn lên được.
Vì thế, phát triển KTTN lành mạnh theo cơ chế thị trường là yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, là phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.
- Vậy để có lực lượng DN, doanh nhân Việt Nam vững mạnh, cần làm những gì, thưa ông?
- Phải khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để KTTN phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP. Đồng thời, phải xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển KTTN lành mạnh và đúng định hướng ở tất cả các ngành, lĩnh vực pháp luật không cấm.
Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNVV. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình DN. 
Phải gỡ được nút thắt về thể chế làm DNTN sợ lớn. Không muốn lớn, phải tháo nút thắt đang kìm hãm DNTN muốn lớn cũng không lớn được. Đồng thời khuyến khích hình thành các tập đoàn KTTN đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Khuyến khích KTTN tham gia góp vốn, mua cổ phần của các DNNN khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn. 
- Xin cảm ơn ông.
 Phát triển KTTN là con đường duy nhất và tất yếu để phát triển kinh tế quốc gia, phát triển nhanh và bền vững; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ có sức chống chịu tốt.

Các tin khác