Gỡ “thẻ vàng” IUU: Không để ngư dân cô đơn giữa ngư trường và thương trường

(ĐTTCO) - Trao đổi với phóng viên ĐTTCO, PGS.TS NGUYỄN CHU HỒI, ĐBQH khóa XV (đoàn Hải Phòng), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh, để gỡ “thẻ vàng” mà châu Âu áp dụng với ngành thủy sản Việt Nam thì không được để ngư dân “cô đơn”, không chỉ giữa biển khơi sóng gió, mà cả trên thương trường với rất nhiều luật lệ và rào cản. 
Gỡ “thẻ vàng” IUU: Không để ngư dân cô đơn giữa ngư trường và thương trường ảnh 1
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, trong chuyến công tác làm việc tại trụ sở Liên hiệp quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và trước đó là chuyến công tác châu Âu tháng 9 vừa qua của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vấn đề “thẻ vàng” mà châu Âu đang áp dụng với ngành thủy sản Việt Nam đều được đề cập đến nhiều lần, song cho đến nay, đây vẫn là một nỗi lo canh cánh đối với chúng ta. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? 
PGS.TS NGUYỄN CHU HỒI: - Khai thác hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) là một vấn đề bức xúc toàn cầu, có những tác động xấu ở cả trong lẫn ngoài vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia. 
Tháng 10-2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức cảnh báo “thẻ vàng” đối với mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU vì chưa đáp ứng được yêu cầu của khối thị trường này.
Trước thách thức như vậy, toàn bộ hệ thống chính trị ở nước ta đã vào cuộc, đã và đang tập trung triển khai quyết liệt các hành động thực hiện các khuyến nghị, quy định của EC về ngăn chặn IUU, để sớm được gỡ “thẻ vàng” của EC. 
Theo tôi, EU cấm đánh bắt IUU ở ngư trường nước ngoài, cho nên hoạt động ngăn chặn IUU hiện đang xoay quanh “người ngư dân”, chủ yếu đánh cá xa bờ và ở vùng đặc quyền kinh tế của nước khác và vùng biển quốc tế (mà đang có những yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông) bằng các biện pháp hành chính. 
Nếu ngư dân tuân thủ, họ phải khai thác ở “ao nhà”, không còn cá - hiểu theo nghĩa cá thương mại với quy mô hàng hóa. Vậy, họ chỉ có hai cách lựa chọn, hoặc gác tàu, lên bờ; hoặc liều lĩnh đánh bắt IUU trong nước, tức đánh bắt bằng các công cụ hủy diệt ngay trong các khu bảo tồn biển, các khu vực cấm đánh bắt thủy sản đã được pháp luật thừa nhận. 
Hậu quả của cả hai lựa chọn nói trên đều rất tai hại. Trường hợp không bỏ được nghề, vẫn phải đánh bắt IUU trong nước, thì vô hình chung họ sẽ tự đập vỡ “niêu cơm” của chính gia đình mình. Vì đánh bắt IUU làm mất đi khả năng phục hồi, tái tạo tự nhiên của nguồn lợi thủy sản.
- Theo ông, cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp như thế nào để hỗ trợ ngư dân? 
- Trước hết, không thể để mặc ngư dân đơn độc tự xoay xở! Cùng với việc ngăn chặn ngư dân đánh bắt IUU, hơn lúc nào hết, công tác tái tạo, phục hồi, bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản phải được coi trọng đặc biệt. Và đây thuộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan và cả ngư dân. 
Chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân cũng là một giải pháp cần làm, nhưng triển khai trong thực tế còn lúng túng. Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cộng đồng ngư dân để họ thấy lợi ích khi thực hiện quy định của EC về ngăn chặn IUU, thay đổi hành vi cá nhân, tự giác thực hiện và tuân thủ các quy định của EC. 
Ngư dân cũng cần sự hỗ trợ của Nhà nước và cả sự hỗ trợ từ chính EC - người “cầm còi”, trong đó cần cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của ngư dân, quyền và trách nhiệm của các bên liên quan khác về mọi khía cạnh của IUU… 
Rõ ràng, cần các giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn, không để chỉ mình ngư dân đơn lẻ.
- Là chuyên gia đã dành trọn cả cuộc đời làm khoa học của mình để nghiên cứu về biển, đến khi ứng cử ĐBQH, ông vẫn rất tâm huyết với ý tưởng xây dựng và ban hành Luật Sử dụng biển? Ông có thể chia sẻ thêm về ý tưởng này?
- Khác với trên đất liền, tài nguyên biển phân bố theo không gian đa chiều (trên bề mặt biển, trong khối nước biển, trên bề mặt đáy biển và lòng đất dưới đáy biển). Nên mỗi vùng biển và từng hệ thống tài nguyên biển, bao gồm hệ sinh thái, đều được đặc trưng bởi tính đa dụng, tức là một vùng biển nhất định là đối tượng sử dụng của nhiều ngành, nghề khác nhau; đòi hỏi phải quản lý biển liên ngành, tổng hợp dựa trên cách tiếp cận quản lý biển theo không gian. 
Trong khi quy hoạch không gian biển quốc gia trong Luật Quy hoạch (2017) đã cung cấp công cụ kỹ thuật để hỗ trợ quá trình quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, đảo thì các luật liên quan tới biển, đảo còn quá ít so với luật pháp quản lý lãnh thổ đất liền. Hơn nữa, các luật hiện có liên quan đến biển Việt Nam lại đề cập không đầy đủ, thiếu toàn diện và không cụ thể về khai thác, sử dụng và cách thức quản lý tổng hợp, thống nhất về biển, đảo. 
Vậy nên, cần có một “chiếc áo rộng hơn” thay thế “cái áo chật” hiện nay, nghĩa là cần xây dựng một luật mới về khai thác, sử dụng tổng hợp biển, gọi tắt là Luật Sử dụng biển, tương ứng với Luật Đất đai chuẩn bị sửa đổi trên đất liền. 
Luật Sử dụng biển được ban hành và thực thi, cùng với Quy hoạch không gian biển, sẽ đảm bảo sử dụng biển hiệu quả, bền vững, giảm xung đột lợi ích giữa các ngành và người khai thác, sử dụng biển; thúc đẩy quản lý tổng hợp, liên ngành và thống nhất quản lý nhà nước về biển theo đúng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, phù hợp với xu thế thời đại.   
- Còn kiến nghị xây dựng chính sách đặc thù để giải quyết đồng bộ ba vấn đề: ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường (tam ngư) ở nước ta? Xin ông nói rõ thêm về ý tưởng này?
- Mặc dù chiếm vị trí và có những đóng góp quan trọng cho đất nước trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, nhưng phát triển nghề cá, hoạt động sản xuất và đời sống của ngư dân nước ta vẫn vấp phải không ít khó khăn, thách thức. Luật pháp và chính sách hiện có và những nỗ lực vừa qua đã giải quyết một phần thách thức, khó khăn, nhưng chưa đồng bộ, thiếu toàn diện và chưa bền vững. 
Trong bối cảnh mới đó, cần nhận diện và xác định ba khâu then chốt cấu thành nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở nước ta là: ngư dân (người lao động trong lĩnh vực thủy sản), ngư nghiệp (kinh tế nghề cá) và ngư trường (bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi hải sản và môi trường sống của thủy sản). 
Tập trung giải quyết đồng bộ ba vấn đề nói trên sẽ góp phần tăng cường thế và lực để nghề cá nước ta tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng; giữ vững được thị phần xuất khẩu và cải thiện được sinh kế của các cộng đồng ngư dân; giúp ngư dân yên tâm bám biển và giảm thiểu các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp trong bối cảnh có các lợi ích đan xen và phức tạp ở Biển Đông; giúp tôn tạo và phát huy các giá trị “văn hóa làng chài” độc đáo, đặc trưng cho văn hóa biển Việt Nam. 
Đây chính là nền tảng cho phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta, giúp ngư dân tiếp tục đóng vai trò tiên phong không chỉ trong làm giàu cho đất nước, mà còn trong thực hiện “chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên Biển Đông. Cho nên, cần sớm ban hành chính sách đặc thù về vấn đề ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường (tam ngư) để hỗ trợ phát triển đồng bộ, hướng tới một nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam. 
Tôi cho rằng không nên coi ba vấn đề đặc thù đối với nghề cá của một quốc gia biển như Việt Nam lại chỉ là một phần “không đầy đủ” của chính sách “tam nông” hiện nay.
Đối tượng có bản chất và đặc thù khác cần phải có chính sách khác. Chỉ như thế mới phát huy được sức mạnh của ngư dân và nghề cá trong tương lai, cũng như mới bảo vệ được ngư trường và các quyền của Việt Nam trên Biển Đông. 
Trong suốt chặng đường lịch sử đất nước, ngư dân luôn đồng hành cùng dân tộc, thì ngày nay Nhà nước sẽ đồng hành cùng ngư dân bám biển, vươn ra “biển lớn”. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác