Hàng vạn lao động bị mất việc cuối năm: Cần có chính sách cụ thể hỗ trợ

(ĐTTCO) - Dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý 1, thậm chí quý 2/2023 khiến nhiều lao động bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tính đến ngày 1/12, có 1.235 doanh nghiệp thuộc 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động. Hơn 430.660 người lao động bị giảm giờ làm và có đến trên 41.550 lao động bị thôi việc, mất việc. 

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý 1, thậm chí quý 2/2023 khiến nhiều lao động bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống...

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng cho biết, thông tin tổng hợp từ công đoàn cơ sở, dự kiến trong tháng 12/2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 công nhân, lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm 15.769 lao động.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, nhà nước cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ người lao động bị giảm giờ làm, không có việc, đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân được lao động.

Bên cạnh hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, ông Huân cũng cho rằng, cần thiết phải tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu, cùng với đó, cần dự báo sớm, kịp thời, nhanh các vấn đề kinh tế đối ngoại để kết nối với trong nước.

Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, để người lao động ổn định việc làm, cuộc sống các doanh nghiệp cần tăng cường các hoạt động đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề để tái sử dụng người lao động vào các công việc phù hợp, sẵn sàng cho thời gian tới. Trường hợp buộc phải cắt giảm lao động thì cần có hỗ trợ xứng đáng với đóng góp của người lao động đối với doanh nghiệp.

Bộ LĐ-TB-XH cũng cần đề nghị các UBND tỉnh, thành phố, chỉ đạo các Sở LĐ-TB-XH hội nắm chắc tình hình doanh nghiệp, lao động để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trong việc phê duyệt các phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều người lao động. Thực hiện tốt hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; kiểm tra, giám sát nghiêm việc thực hiện chế độ đối với người lao động giảm việc làm, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động, mất việc làm; xây dựng, công bố sớm và thực hiện đúng phương án trả lương, trả thưởng Tết cho người lao động;...

Đặc biệt, bà Trần Thị Thanh Hà nhấn mạnh rằng cần triển khai các chương trình đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người lao động có nhu cầu chuyển đổi hoặc học nghề để tìm kiếm việc làm phù hợp cũng như tăng cường cung cấp thông tin về thị trường lao động, có biện pháp giúp người lao động dễ tiếp cận thông tin tuyển dụng uy tín.

Bà Hà cho biết thêm, hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo Công đoàn cơ sở theo dõi sát sao, nắm tình hình của doanh nghiệp, của đoàn viên, người lao động để tham gia, đề nghị người sử dụng lao động sớm xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và các chế độ cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2023, công bố tới toàn thể người lao động trước khi nghỉ Tết ít nhất 20 ngày.

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng phối hợp với các tổ chức, địa phương triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, giữ việc làm cho người lao động, tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, người lao động, tổ chức công đoàn để trao đổi, thảo luận tình hình khó khăn của doanh nghiệp... Đối với đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc làm, các cấp Công đoàn hiện đang tập trung triển các hoạt động chăm lo nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Dự kiến 1 triệu đoàn viên, người lao động được chăm lo từ nguồn tài chính công đoàn, với mức 500.000 đồng/người. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn còn tổ chức Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2023” tại 22 tỉnh, thành phố nhằm bán hàng thiết yếu với giá 0 đồng, giá ưu đãi… cho đoàn viên, người lao động.

Các tin khác