Kể chuyện thời trang bền vững

(ĐTTCO) - Khi tính tiện lợi và giá thành rẻ vẫn còn là lựa chọn ưu tiên của nhiều người, các sản phẩm xanh đành chịu cảnh lép vế. Để lan tỏa tinh thần “sống xanh”, nhóm bạn trẻ bắt đầu bằng những đôi vớ tái chế từ nhựa để kể chuyện thời trang bền vững từ một phụ kiện nhỏ.
Từ nhựa thành thời trang


Nhận phần quà tặng là đôi vớ trong chương trình đổi rác lấy quà do Nhà nhiều lá (tổ hợp chuỗi hoạt động xã hội về văn hóa, giáo dục và môi trường, địa chỉ 419/17 Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TPHCM) tổ chức, Trần Ngọc Nhẫn (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Đổi rác lấy quà thì tôi tham gia nhiều lần rồi, nhưng quà tặng lần này - đôi vớ tái chế từ rác thải nhựa và được sản xuất trong nước - khiến tôi hơi bất ngờ. Trước giờ, tôi có nghe qua về thời trang bền vững nhưng nghĩ nó phổ biến ở nước ngoài hơn”.

Kể chuyện thời trang bền vững ảnh 1

Xưởng sản xuất vớ Resocks tại TP Thủ Đức, TPHCM

Mô hình tái chế rác thải nhựa thành sản phẩm thời trang bền vững còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng đã phổ biến và thành công khá lâu ở các thị trường phát triển như Mỹ hay châu Âu. Theo thống kê của Tạp chí Financial Times (Thời báo tài chính quốc tế, trụ sở tại Luân Đôn, Anh), hiện đã có khoảng 800 thương hiệu thời trang sử dụng chất liệu nhựa tái chế trong khâu sản xuất sản phẩm.

Không phải là sản phẩm mới lạ và bước vào thị trường cũng không có quá nhiều tính năng nổi trội, những đôi vớ mang tên Resocks chỉ đơn thuần làm từ nguồn nguyên liệu tái chế, mà cụ thể là chai nhựa. Sử dụng vớ Resocks qua lời giới thiệu của bạn bè, Phạm Nguyễn Thành Trung (24 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết: “Cũng như những đôi vớ thông thường khác thôi nhưng đặc biệt ở chỗ nó được tái chế từ chai nhựa, nên tôi khá tò mò khi mua và dùng thử. Chưa biết định hướng lâu dài của dự án thế nào, nhưng tôi ủng hộ những sản phẩm như thế này. Việc ứng dụng tái chế nhựa thành sản phẩm hữu dụng là giải pháp thiết thực”.

Nói về lý do bắt đầu với vớ Resocks, anh Quách Kiến Lân (thành viên sáng lập dự án Resocks) chia sẻ: “Nhóm bắt đầu từ đôi vớ với mong muốn truyền tải câu chuyện về những bước chân xanh được làm từ vật liệu tái chế trên một hành trình bền vững. Hơn nữa, vớ cũng là một sản phẩm gần gũi, mọi người ít nhiều đều cần dùng đến. Hy vọng từ một đôi vớ nhỏ bé sẽ giúp mọi người thấy được việc tái chế có khả năng tạo ra các sản phẩm hữu ích cho đời sống của chúng ta”.

Giấc mơ bền vững

Dự án Resocks bắt đầu vào cuối năm 2019, khi vấn đề rác thải nhựa đang là nỗi lo lắng trên toàn cầu. Anh Quách Kiến Lân kể: “Mong muốn bắt đầu một dự án để đưa sản phẩm bền vững của Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng có từ sau chuyến đi thực tập tại GIZ (GIZ là tổ chức được tài trợ chính bởi Chính phủ Đức, thuộc lĩnh vực hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời tham gia vào công tác giáo dục quốc tế trên toàn cầu) vào năm 2015. Đến năm 2019, dự án mới đủ điều kiện để bắt đầu. Tôi chọn sản xuất vớ vì đây là sản phẩm không cầu kỳ, và xu hướng của người trẻ bây giờ - nhất là thế hệ gen Z - rất chuộng giày thể thao nên nhu cầu sử dụng vớ ngày một nhiều hơn”.

Vớ Resocks được sản xuất bắt đầu từ việc gom rác thải nhựa để tạo thành sợi tái chế. Chai nhựa và sản phẩm từ nhựa PET được thu gom, đưa đến nhà máy tái chế nhựa PET để rửa và đun chảy, cho ra nhựa RPET Resin. Sau đó, RPET Resin được nhà máy kéo tơ mua về để sản xuất tơ tái chế (tiêu chuẩn cho tơ, sợi, vải và sản phẩm may mặc tái chế quan tâm nhiều trên thế giới hiện nay là tiêu chuẩn GRS). Tơ GRS sẽ được đưa đến nhà máy kéo tơ để được kéo ra sợi tái chế. Sợi có thể được pha với nhiều thành phần và chỉ số khác nhau cho những sản phẩm khác nhau.

Resocks mua sợi tái chế GRS và một số sợi khác từ công ty bên ngoài, sau đó đưa cho đối tác gia công để dệt ra những đôi vớ chiếm ít nhất 50% là thành phần tái chế. “Đây cũng là vấn đề khá khó khăn của chúng tôi khi bắt đầu dự án, vì việc thu gom và tái chế rác thải ở Việt Nam thường mang tính tự phát, không có tiêu chuẩn rõ ràng, phần lớn rác thải không được phân loại và không đáp ứng được các tiêu chuẩn tái chế”, anh Lân cho biết thêm.

Phải nhập khẩu hầu hết lượng sợi nhựa cần sử dụng, hiện tại Resocks vẫn chưa thể cải thiện đáng kể vấn đề rác thải trong nước. Nhưng chính từ những sản phẩm thân thiện với môi trường này, lối sống xanh đang dần lan tỏa cụ thể với từng sản phẩm đi vào cuộc sống hàng ngày. 

“Tôi nghĩ rằng ô nhiễm môi trường phần lớn đều do con người, nơi nào có nhiều người mà không có cách sống thích hợp mới có ô nhiễm. Do vậy, tôi muốn làm dự án có tính môi trường để lan tỏa đến nhiều người hơn, vì lối sống cộng sinh với môi trường sẽ đem đến lợi ích bền vững cho nhiều bên và nhiều người”, anh Quách Kiến Lân bộc bạch.

Các tin khác