Khơi thông dòng chảy kiều hối bằng cách nào?

(ĐTTCO) - Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, sự tham gia của khối tư nhân với nguồn vốn từ xã hội hóa luôn đóng vai trò quan trọng trong đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật.
Khơi thông dòng chảy kiều hối bằng cách nào?

Việt Nam cũng không là ngoại lệ, nhất là khi nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn ngân sách phải đầu tư cho rất nhiều nhu cầu. Nguồn vốn xã hội ở Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng, rất lớn. Chỉ tính riêng nguồn kiều hối, theo Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, tổng lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2022 tăng trưởng 4,4% so với năm 2021.

TPHCM dẫn đầu cả nước với 6,6 tỷ USD kiều hối đổ về trong năm 2022 và riêng quý I-2023 lượng kiều hối về thành phố gần 2,2 tỷ USD, tăng 19,41% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 0,7% mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) của TPHCM trong quý này. Kiều hối chiếm khoảng 48% tổng thu ngân sách nội địa, 33% thu ngân sách của TPHCM.

Trên bình diện cả nước, nguồn thu kiều hối hiện đã tương đương và gần đây cao hơn so với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân. Tổng kiều hối từ năm 1993 (năm đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 29-11-1993 về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài), đến nay đạt hơn 200 tỷ USD so với khoảng 190 tỷ USD vốn FDI được giải ngân từ năm 1986 đến nay.

Trên thực tế, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước tại TPHCM, phần lớn nguồn kiều hối đã được đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dòng chảy của nguồn vốn xã hội hóa đã bị chững lại. Có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 còn một số điều chưa phù hợp với thực tế, làm cho nhiều nhà đầu tư tư nhân e ngại.

Trong cuộc tọa đàm “Tìm kiếm phương thức hợp tác PPP hiệu quả trong các dự án xây dựng và vận hành hạ tầng giao thông theo mô hình BOT tại Việt Nam” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp đã chỉ ra một số bất cập điển hình.

Thứ nhất, có sự bất bình đẳng trong thực hiện hợp đồng PPP giữa Nhà nước và doanh nghiệp (chủ đầu tư); có những điều khoản cam kết nếu cơ quan quản lý Nhà nước không thực hiện khiến nhà đầu tư thiệt hại, thế nhưng trên thực tế không ai bị xử lý, còn nhà đầu tư vi phạm thì bị phạt ngay.

Thứ 3, quy định tỷ lệ vốn góp từ ngân sách vào các công trình PPP không quá 50%, còn lại nhà đầu tư phải lo, không đủ hấp dẫn để thu hút vốn từ khu vực tư nhân. Bởi lẽ, nhà đầu tư thực hiện dự án PPP thường cần vốn trung, dài hạn lớn và chủ yếu vay ngân hàng. Thời gian vay như vậy có rủi ro cao nên điều kiện cho vay của ngân hàng rất khắt khe, chưa kể lãi suất cao.

Yếu tố cuối cùng là nhiều địa phương “phó mặc” công tác giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư.

Đôi bên cùng có lợi là nguyên tắc cơ bản mà đôi bên phải tôn trọng để hợp tác thành công, lâu dài. Những bất cập của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được chỉ ra và hệ quả của nó đã thấy rõ trong thực tế. Vì thế, không có lý do gì để chậm trễ sửa đổi những bất cập này, khơi dòng lại cho nguồn vốn xã hội hóa đi vào sản xuất, kinh doanh, đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sự phát triển của đất nước.

Các tin khác