Không thể thiệt thòi mãi

(ĐTTCO)-Vừa phải đảm bảo thu ngân sách đủ theo như dự toán ngân sách được giao, vừa phải thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, vừa phải đầu tư cho các dự án lớn về phát triển kinh tế - xã hội, trong khi tỷ lệ ngân sách địa phương được giữ lại thấp nhất cả nước, đã khiến TPHCM đang phải đối diện với “áp lực kép” về thu ngân sách.
Không thể thiệt thòi mãi
Trong 6 tháng đầu năm nay, thu ngân sách nhà nước của TPHCM đang trên đà suy giảm trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 của Cục Thuế TPHCM cho thấy, tổng thu ngân sách trên toàn địa bàn ước thực hiện được 163.173 tỷ đồng, đạt 40,2% dự toán và giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, thu nội địa được 108.703 tỷ đồng, đạt 39% dự toán và giảm 9,8%; thu từ dầu thô được 6.370 tỷ đồng, đạt 52,2% dự toán và giảm 47,5%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu được 48.100 tỷ đồng, đạt 41,8% dự toán và giảm 17%. Dịch Covid-19 đã khiến 3 ngành dịch vụ có tỷ trọng lớn trong khu vực thương mại dịch vụ bị tăng trưởng âm gồm: vận tải kho bãi giảm 0,79%; lưu trú và ăn uống giảm 38,89%; hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 11,36%.
Bên cạnh đó, số lượng khách du lịch quốc tế, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, thu hút vốn đầu tư cũng đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi nguồn thu suy giảm, nhưng TPHCM vẫn phải hỗ trợ người nộp thuế khắc phục khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh. Tính đến ngày 1-7, gia hạn thuế và tiền thuê đất đã có 24.168 doanh nghiệp, tổ chức nộp giấy đề nghị gia hạn với số thuế gia hạn 12.831 tỷ đồng, gồm thuế giá trị gia tăng 4.829 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quyết toán năm 2019 là 3.153 tỷ đồng, thuế TNDN ước tạm nộp trong quý I-2020 là 3.108 tỷ đồng, và tiền thuê đất là 1.741 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, toàn địa bàn cũng có 17.330 hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nộp giấy đề nghị gia hạn thuế với số tiền thuế xin gia hạn 171 tỷ đồng. Đại diện Cục Thuế TPHCM cho hay, trong trường hợp tình hình kinh tế diễn biến không thuận lợi kéo dài, TPHCM dự báo có thể chỉ đạt 86% dự toán thu ngân sách trong năm nay, bao gồm cả việc truy thu khoảng 13.000 tỷ đồng thuế nợ đọng từ 2019.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) diễn ra tại Hà Nội vào ngày 8-7, sau khi nghe xong phần trình bày báo cáo của đại diện Cục Thuế TPHCM, một thứ trưởng Bộ Tài chính đã phải hỏi lại: “Liệu các đồng chí có thu đủ ngân sách theo dự toán được giao trong năm nay không? Vì nếu TPHCM mà thu không đủ sẽ ảnh hưởng đến cả nguồn thu chung của cả ngành thuế”. Câu hỏi của lãnh đạo Bộ Tài chính đã phần nào cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của TPHCM với vai trò là “đầu tàu” kinh tế của cả nước.
Thế nhưng lại oái oăm thay. Năm 2019, lần đầu tiên TPHCM thu ngân sách vượt 400.000 tỷ đồng. Trung bình 1 ngày TPHCM thu được từ các khoản cho ngân sách 1.200-1.500 tỷ đồng, tương đương với thu ngân sách 1 năm của tỉnh Cao Bằng (1.600 tỷ đồng), gấp đôi ngân sách thu được 1 năm của tỉnh Bắc Kạn (678 tỷ đồng).
Cả nước có 5 TP trực thuộc Trung ương, theo chỉ tiêu Trung ương giao năm 2019 (được biết về cơ bản hoàn thành), với tổng số dự toán thu ngân sách của cả 4 TP gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ là 365.900 tỷ đồng, trong khi tổng dự toán thu ngân sách riêng của TPHCM gần 400.000 tỷ đồng.
Như vậy, dự toán thu ngân sách của TPHCM năm 2019 cao gấp 1,1 lần tổng dự toán thu của 4 TP trực thuộc Trung ương còn lại. Chỉ riêng một phường của TPHCM, thu ngân sách mỗi năm đã tương đương bằng một tỉnh miền núi phía Bắc (phường Bến Thành thu và nộp ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, bằng với mức thu ngân sách một năm của tỉnh Điện Biên). 
Tỷ lệ đóng góp ngân sách của TPHCM cao nhất cả nước (đóng góp 27,5% vào ngân sách chung cả nước trong giai đoạn 2011-2019). Nhưng tỷ lệ ngân sách địa phương được giữ lại của TPHCM lại thấp nhất cả nước: 18% (2019). Điều này đã khiến TPHCM gặp nhiều khó khăn trong việc tái đầu tư phát triển. Hiện nay TPHCM cũng là thành phố trực thuộc Trung ương có nhiều dự án, công trình đầu tư cho cơ sở hạ tầng đang dở dang nhiều nhất.
Những năm trở lại đây, nhiều ý kiến nói về việc phải dành cho TPHCM các cơ chế đặc thù. Bởi nếu như không có cơ chế riêng, không có sự linh hoạt, không có sự đầu tư đúng mức, TPHCM với vai trò trung tâm sẽ khó có thể bứt phá để từ đó tạo sức lan tỏa, kéo kinh tế vùng cùng phát triển. Bởi chỉ khi các “đầu tàu” phát triển, các doanh nghiệp ăn nên làm ra thì nguồn thu ngân sách Nhà nước mới thực sự đảm bảo bền vững.

Các tin khác