Kiểm soát dòng tiền, giải pháp cần thiết

(ĐTTCO) - Các ngân hàng trung ương (NHTW) trên toàn cầu sau khi hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khủng hoảng đại dịch, đang lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan giữa bài toán lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, lựa chọn chung vẫn là thắt chặt chính sách tiền tệ để kìm lạm phát. Vậy Việt Nam phải làm gì trong vòng xoáy đó?
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
 ĐTTC đã trao đổi với PGS.TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, thị trường tài chính toàn cầu có quá nhiều biến động, NHTW các nước, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), liên tục tăng lãi suất đối phó lạm phát trong thế tiến thoái lưỡng nan. Ông bình luận như thế nào về thực trạng này? 
PGS.TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO: - Tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô nói chung, đặc biệt là chính sách tiền tệ nói riêng của các nước trên thế giới, ngay cả của NHNN Việt Nam, đã được nhiều học giả, chuyên gia xới lên từ đầu năm 2022.
Có nghĩa, các NHTW rơi vào thế nới lỏng để phục hồi nền kinh tế cũng không được, thắt chặt để kìm chế lạm phát cũng không xong. Trong khi hầu hết các nền kinh tế hiện nay rất cần nhiều nguồn lực để lấy lại động lực tăng trưởng, khắc phục hậu quả do đại dịch để lại. 
Trước đó, trong năm 2020-2021, các nước trên thế giới đã tung ra những gói kích thích kinh tế khổng lồ. Lượng tiền bơm ra quá nhiều, dù mục đích để đảm bảo cuộc sống người dân, sự tồn tại của khu vực doanh nghiệp, nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy.
Cụ thể, tiền bơm ra nhiều nhưng hàng hóa dịch vụ không có sự tăng trưởng tương ứng, khiến dòng tiền chảy vào những kênh tăng trưởng dựa trên biến động giá như bất động sản, chứng khoán, các sản phẩm đầu tư tài chính, tiền kỹ thuật số…
Hệ quả dẫn đến tình trạng trồi sụt thất thường và sự bất ổn trên thị trường tài chính nói chung và các thị trường như chứng khoán nói riêng. Điều đó làm cho bài toán điều hành kinh tế vĩ mô khó khăn hơn. Muốn chấn chỉnh, siết lại những hoạt động đầu tư, đầu cơ bất ổn đó lại chạm đến vấn đề mâu thuẫn, lệch pha với giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Như vậy, bài toán đặt ra cho NHTW các nước và cả NHNN Việt Nam, nếu muốn kiểm soát dòng tiền, bong bóng giá tài sản, hành vi đầu cơ, chấn chỉnh thị trường tài chính, thắt chặt các kênh phân phối vốn của nền kinh tế để đạt được ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, sẽ mâu thuẫn với mục tiêu tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế.
Ngược lại, nếu nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất hoặc tăng trưởng tín dụng, chẳng khác nào thổi phồng các bất ổn trên, tiếp tục gây ra hiện tượng đầu cơ khi khu vực sản xuất không tạo ra tỷ suất sinh lợi như kênh đầu cơ ngắn hạn.
Thực tế cho đến đầu năm nay, các NHTW vẫn bảo lưu quan điểm lạm phát không phải là nguy cơ quá nghiêm trọng. Nhưng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng lên và kéo dài đến nay, giá cả hàng hóa gia tăng chóng mặt, bao gồm giá năng lượng, đặc biệt là giá dầu; giá của các loại hàng hóa thiết yếu khác như phân bón, nông sản, lương thực thực phẩm… thì “bóng ma” lạm phát đã đến một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, đã khiến các NHTW đột ngột thay đổi quan điểm.
Ngay cả Fed, NHTW châu Âu, NHTW Anh và các nước phát triển hồi đầu năm vẫn khẳng định sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng bằng cách duy trì mặt bằng lãi suất thấp, đồng thời tiếp tục theo đuổi các chương trình mua lại tài sản để hỗ trợ phục hồi kinh tế. 
Song từ thời điểm tháng 5, các NHTW bắt đầu có những tuyên bố ngược lại, đi theo xu hướng thắt chặt tiền tệ. Đó là sẽ tăng lãi suất và tăng theo lộ trình rất mạnh, thu hẹp chương trình mua lại tài sản.
Điều này tạo ra sự bất ổn cho nền kinh tế, bởi sự thay đổi lập trường tiền tệ quá nhanh sẽ tạo ra những biến động trồi sụt thất thường trong kênh đầu tư, đặc biệt tác động đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp để tiếp tục đeo đuổi các dự án đầu tư, phục hồi lại năng lực sản xuất, cũng như mở rộng đầu ra cho nền kinh tế. Đó là bức tranh chung của thế giới hiện nay và Việt Nam cũng nằm trong vòng xoáy đó.
- NHNN Việt Nam vẫn chưa tăng lãi suất điều hành, nhưng trong hoạt động điều hành cho thấy cơ quan này đang rất “cân não”. Theo ông Chính phủ, NHNN cần có các giải pháp gì?
- Quả thực bài toán kinh tế vĩ mô của Chính phủ và NHNN phải giải rất khó khăn khi dư địa trong chính sách không còn nhiều. 6 tháng đầu năm, các NHTM hầu như đã chạm mốc tăng trưởng tín dụng được phép của năm 2022. Họ đều trông chờ vào quyết định điều chỉnh hạn mức tín dụng theo hướng NHNN sẽ nới lỏng hạn mức đó, để tiếp tục có khả năng bơm vốn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu NHNN thực hiện điều đó, tức nới lỏng tiền tệ bằng cách điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng, sẽ lại đi ngược với xu hướng thắt chặt tiền tệ của các nước trên thế giới, đi ngược với cảnh báo của các chuyên gia trong thời gian qua về áp lực lạm phát. 
Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, các đại biểu cũng đặt vấn đề kiểm soát lạm phát đối với NHNN và Chính phủ. Song trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan hiện nay, vấn đề chính không phải nằm ở việc nới lỏng hay thắt chặt tín dụng, nới lỏng tiền tệ hay kiểm soát tiền tệ, mà phải kiểm soát được đường đi của dòng tiền. 
Theo đó, NHNN cần có những giải pháp, công cụ để kiểm soát hoạt động cho vay của các NHTM nhằm hạn chế tối đa dòng tiền bị thao túng, luồn lách chảy vào những kênh đầu cơ. Phải đưa vốn chảy vào những lĩnh vực tạo ra hàng hóa dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế như lương thực thực phẩm, hàng hóa dịch vụ để đảm bảo cuộc sống người dân cũng như hoạt động ổn định của nền kinh tế.
NHNN tuyên bố không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% là quan điểm nhất quán thể hiện lập trường không nới lỏng tiền tệ của nhà điều hành.
Tuy nhiên, ở từng tình huống cụ thể, NHNN có thể cho phép NHTM ưu tiên những dự án, khoản cho vay liên quan đến sản xuất hàng hóa dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế, đảm bảo cân bằng ổn định mặt bằng giá cả. Đây là giải pháp cần thiết trong ngắn hạn.
- Có quan điểm cho rằng chính sách tiền tệ trong năm 2022-2023 linh hoạt, vậy nên chăng có sự linh hoạt cả trong chính sách tăng trưởng kinh tế. Quan điểm của ông thế nào?
- Nền kinh tế Việt Nam đang rất khó khăn. Vì thế, sự linh hoạt được nhắc đến có nghĩa những điều chỉnh về các chỉ tiêu tăng trưởng, chỉ tiêu kinh tế xã hội Quốc hội đã đề ra, để Chính phủ có dư địa rộng hơn nhằm điều chỉnh phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Bởi những mục tiêu Quốc hội đề ra cho Chính phủ được hoạch định từ cuối năm 2021, khi kinh tế toàn cầu và Việt Nam chưa xuất hiện những biến động mới như hiện tại. Những điều này hiện đang gây áp lực rất lớn cho Chính phủ, để hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ buộc lòng phải đưa ra những chính sách không thể tối ưu cho nền kinh tế. 
Theo tôi, nên chăng có sự linh hoạt trong điều chỉnh lại các mục tiêu kinh tế xã hội 6 tháng còn lại của năm 2022, tạo cho Chính phủ có dư địa tốt hơn, linh hoạt hơn trong việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, tức quan trọng hàng đầu là ổn định cuộc sống người dân và đảm bảo khả năng hồi phục của doanh nghiệp làm mục tiêu cuối cùng, thay vì chú trọng tuyệt đối vào các chỉ tiêu như tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát… 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác